Iraq điều tra tham nhũng sau tiết lộ của Bộ trưởng Quốc phòng

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã ra lệnh mở cuộc điều tra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Khalid al-Obeidi đưa ra cáo buộc tham nhũng đối với một số chính trị gia của nước này.
Iraq điều tra tham nhũng sau tiết lộ của Bộ trưởng Quốc phòng ảnh 1Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tại thủ đô Baghdad ngày 14/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 1/8, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã ra lệnh mở cuộc điều tra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Khalid al-Obeidi đưa ra cáo buộc tham nhũng đối với một số chính trị gia của nước này, trong đó có Chủ tịch Quốc hội Salim al-Jubouri.

Tuyên bố của văn phòng Thủ tướng Abadi nêu rõ Thủ tướng đã chỉ thị cho Ủy ban Liêm chính của Iraq hợp tác với ủy ban Quốc hội để điều tra vấn đề trên.

Động thái trên diễn ra sau khi Quốc triệu tập Bộ trưởng Obeidi ngày 1/8 trả lời chất vấn về tình trạng tham nhũng trong Bộ Quốc phòng dẫn tới việc lãng phí hàng tỷ USD vào các thỏa thuận và làm suy yếu các lực lượng vũ trang.

Nghị sỹ Alia Nasayif đã đưa ra cáo buộc này đối với Bộ Quốc phòng.

Tuy nhiên, trong phiên chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Obeidi đã tiết lộ chi tiết hành vi tống tiền của một số chính trị gia và quan chức, trong đó có Chủ tịch Quốc hội Jubouri, liên quan đến các hợp đồng vũ khí và hối lộ.

Bộ trưởng Obeidi cũng cáo buộc chính nghị sỹ Nasayif từng yêu cầu Bộ Quốc phòng chuyển giao bất hợp pháp 127 tài sản trước đây thuộc chế độ của cố Tổng thống Saddam Hussein.

Chủ tịch Quốc hội Jubouri đã bác bỏ các cáo buộc trên của Bộ trưởng Quốc phòng, cho rằng hành động này của ông Obeidi nhằm trốn tránh bị chất vấn trước Quốc hội.

Tại một cuộc họp báo được phát trên truyền hình sau phiên họp, ông Jubouri cho biết ông đã ủy quyền cho Phó Chủ tịch Quốc hội Aram Sheikh Mohammed chủ trì các phiên họp để đảm bảo tính khách quan của tiến trình chất vấn.

Ông khẳng định sẵn sàng ra tòa để trả lời về các cáo buộc tham nhũng, đồng thời nhấn mạnh những cáo buộc của Bộ trưởng Obeidi là vô căn cứ.

Iraq đã rơi vào khủng hoảng chính trị khi những đề xuất cải tổ nội các của Thủ tướng Abadi từ tháng Hai vừa qua vấp phải sự phản đối của các đảng có quyền lực. Quốc hội nhiều lần không thể bỏ phiếu về danh sách chính phủ mới.

Bế tắc chính trị khiến giáo sỹ Hồi giáo dòng Shiite Moqtada al-Sadr đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình liên tiếp đòi cải cách.

Một loạt biện pháp cải cách thất bại đã làm tê liệt quốc hội cũng như chính phủ Iraq trong bối cảnh nước này đang phải dồn sức cho cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, lực lượng đã chiếm một phần lớn lãnh thổ ở miền Bắc và miền Đông. Iraq cũng đang mắc kẹt trong một cuộc khủng hoảng kinh tế, một phần vì giá dầu sụt giảm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục