Làn sóng bạo lực mới, 150 người thương vong

Iraq: Làn sóng bạo lực mới, gần 150 người thương vong

Ngày 21/11, một loạt vụ bạo lực, hầu hết là đánh bom xe vào khu của người Hồi giáo dòng Shiite ở Baghdad, làm gần 150 người thương vong.
Iraq: Làn sóng bạo lực mới, gần 150 người thương vong ảnh 1Cảnh sát Iraq tiến hành khám xét hiện trường. (Ảnh: AFP/TTXVN phát)

Ngày 21/11, một loạt vụ bạo lực, hầu hết là đánh bom xe, nhằm vào khu sinh sống của người Hồi giáo dòng Shiite ở ngoại ô thủ đô Baghdad của Iraq đã làm 49 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương.

Tình trạng bạo lực leo thang trước thềm cuộc tổng tuyển cử ở nước này đã khiến các quan chức Iraq phải kêu gọi sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế.

Ít nhất 8 vụ nổ, trong đó có 7 vụ đánh bom xe, xảy ra tại vùng ngoại ô Baghdad đã cướp đi sinh mạng của 36 người và làm gần 100 người bị thương, đưa tổng số người thiệt mạng vì bạo lực trong tháng 10 lên tới hơn 300 người.

Các lực lượng an ninh đã siết chặt lệnh cấm trong các khu vực bị tấn công. Hiện, chưa có tổ chức nào đứng ra thừa nhận tiến hành các vụ bạo lực trên, tuy nhiên, các tay súng người Sunni có liên quan tới mạng lưới khủng bố al-Qaeda thường tiến hành các vụ tấn công tương tự ở khắp Baghdad, chủ yếu nhằm vào người Shiite.

Trong khi đó, tại thành phố Sulaimaniyah, nơi thường khá yên bình của người Kurd ở miền Bắc, các tay súng đã sát hại Đại tá Sarwat Rashid, người đứng đầu lực lượng cảnh vệ của Tổng thống Jalal Talabani. Hai kẻ ấn công đột nhập vào nhà và bắn vào đầu ông Rashid. Lực lượng an ninh đang điều tra động cơ của những kẻ tấn công này.

Nhiều vụ tấn công riêng rẽ khác tại Baghdad và thành phố chính phía Bắc Mosul cũng đã làm khoảng 10 người thiệt mạng.

Iraq đang phải chứng kiến thời kỳ bạo lực tồi tệ nhất kể từ năm 2008, thời điểm quốc gia này ngấp nghé bờ vực nội chiến sắc tộc giữa người Sunni và người Shiite. Theo Phái bộ Hỗ trợ Iraq của Liên hợp quốc, gần 7.000 người Iraq đã thiệt mạng và hơn 16.000 người bị thương trong 10 tháng đầu năm nay.

Trước tình hình này, Thủ tướng Nuri al-Maliki đã kêu gọi sự trợ giúp của Washington, theo hướng tăng cường chia sẻ thông tin tình báo và cung cấp các hệ thống vũ khí tối tân. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao và giới phân tích cho rằng Chính phủ Iraq chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề, đó là sự vỡ mộng của người Sunni, cảm thấy bị người Shiite cầm quyền gạt ra rìa.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử ngày 30/4/2014 đang đến gần, các quan chức lo ngại bạo lực còn có thể tiếp tục leo thang./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục