Irasel có thể sẽ đơn phương ngừng bắn

Theo các nguồn tin chính trị từ Trung Đông, Israel đang chuẩn bị cho một lệnh ngừng bắn đơn phương tại Dải Gaza sau khi Nhà nước Do Thái có được những cam kết từ phía Mỹ và Ai Cập giúp ngăn chặn việc buôn lậu vũ khí vào vùng lãnh thổ bị cô lập này.

Theo các nguồn tin chính trị từ Trung Đông, Israel đang chuẩn bị cho một lệnh ngừng bắn đơn phương tại Dải Gaza sau khi Nhà nước Do Thái có được những cam kết từ phía Mỹ và Ai Cập giúp ngăn chặn việc buôn lậu vũ khí vào vùng lãnh thổ bị cô lập này.

Một quan chức cấp cao trong Chính phủ Israel cho biết nội các an ninh nước này dự kiến tối 17/1 sẽ bỏ phiếu tán thành một đề xuất đơn phương ngừng bắn tại Dải Gaza. Theo đó, phía Israel sẽ ngưng tiếng súng ngay cả khi không có hành động tương tự từ phía Hamas, phong trào Hồi giáo đang kiểm soát Dải Gaza từ hồi tháng 7/2007.

Tuy nhiên, theo các điều khoản của đề xuất này, các lực lượng Israel sẽ vẫn ở lại Dải Gaza trong một khoảng thời gian không xác định. Theo quan chức trên, Israel hy vọng Hamas cũng sẽ ngừng chiến, nếu không Tel Aviv sẽ không do dự đáp trả và nối lại các chiến dịch quân sự.

Chiều 16/1, phái đoàn đàm phán của Hamas đã trở lại Cairo để tiến hành vòng thương lượng thứ hai trong tuần này với nhà trung gian Ai Cập về một lệnh ngừng bắn ở Gaza, nhưng  Đài phát thanh quân đội Israel cho hay nội các an ninh nước này tối cùng ngày đã nhóm họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng tạm quyền Ehud Olmert để thảo luận về khả năng ký thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza theo đề nghị của Ai Cập.

Cuộc họp đã quyết định "không chấp nhận" các điều kiện ngừng bắn do Hamas đưa ra, trong đó có việc Israel phải rút quân và dỡ bỏ sự phong tỏa đối với Dải Gaza. Như vậy, những nỗ lực của Ai Cập về một lệnh ngừng bắn ở Gaza có thể đã hoàn toàn bị đổ bể.

Những động thái trên diễn ra sau khi Ngoại trưởng Israel Tzipi Livni và Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice cùng ngày ký một bản ghi nhớ nhằm ngăn chặn hoạt động buôn lậu vũ khí vào Dải Gaza. Đây là động thái được Washington hy vọng sẽ dẫn tới một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài để chấm dứt cuộc tấn công kéo dài ba tuần qua của Israel ở Dải Gaza.

Thỏa thuận trên liên quan đến việc chia sẻ thông tin, hỗ trợ kỹ thuật cũng như sử dụng "các tài sản" khác nhau của Mỹ để ngăn chặn Hamas nhận vũ khí qua các tuyến đường trên không, trên bộ và trên biển. Nó còn có thể bao gồm việc sử dụng thiết bị phát hiện, giám sát trên không và có thể cả việc triển khai tàu của các nước NATO để ngăn chặn hoạt động buôn lậu trên biển.

Tiếp tục các nỗ lực nhằm chấm dứt chiến sự tại Gaza, Đại Hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) cùng ngày đã yêu cầu một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài tại Dải Gaza để tiến tới việc rút toàn bộ quân đội Israel khỏi vùng lãnh thổ này.

Trong một nghị quyết không ràng buộc có chỉnh sửa, được 142 trong tổng số 192 nước thành viên của cơ quan này ủng hộ, Đại Hội đồng LHQ yêu cầu sự "tôn trọng đầy đủ" Nghị quyết 1860 được Hội đồng Bảo an LHQ thông qua tuần trước về việc chấm dứt chiến sự và cung cấp các hoạt động nhân đạo không bị cản trở tại Gaza.

Trao đổi với Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đang ở thăm, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho rằng LHQ cần phải "cấm cửa" Israel vì đã không tuân thủ Nghị quyết 1860. Ông Erdogan cũng bày tỏ sự thất vọng vì LHQ đã không thể hiện được vai trò tích cực hơn ở Gaza. Cùng ngày, Trung Quốc cũng lên tiếng yêu cầu Israel lập tức rút quân khỏi Gaza, trong khi làn sóng biểu tình phản đối cuộc chiến này tiếp tục diễn ra tại nhiều nước trên thế giới như Ai Cập, Kuwait, Iraq, Lebanon, Syria...

Trong khi đó, lãnh đạo của 13 trong tổng số 22 nước thành viên thuộc Liên đoàn Arập (AL) cũng tiến hành nhóm họp khẩn cấp tại thủ đô Doha của Qatar để bàn biện pháp đối phó với Israel sau khi nước này bác bỏ Nghị quyết 1860.

Các nhà lãnh đạo Arập và Hồi giáo đã thông qua các đề xuất cáo buộc Israel phạm "những tội ác chiến tranh và diệt chủng" tại Dải Gaza, đồng thời kêu gọi Israel rút các lực lượng "ngay lập tức và vô điều kiện" khỏi khu vực này.

Một quan chức ngoại giao của Mauritania cho biết tại hội nghị, Qatar và Mauritania đã quyết định ngừng các mối quan hệ với Israel. Trước đó, Mauritania đã triệu hồi đại sứ của mình tại Israel sau khi Tel Aviv tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào Dải Gaza ngày 27/12/2008.

Đài phát thanh "Tiếng nói Arập" cho biết Chính quyền Palestine (PNA) cũng như Phong trào Fatah của Tổng thống Mahmoud Abbas coi đó chỉ là "cuộc họp bình thường" vì không hội đủ 2/3 trong tổng số 22 nước thành viên AL và hội nghị này không phản ánh lập trường thống nhất của các nước Arập về những gì đang diễn ra ở Dải Gaza./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục