Ireland trưng cầu dân ý lần hai về Hiệp ước Lisbon

Hơn 3 triệu cử tri Ireland đã bắt đầu đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai về Hiệp ước Lisbon, hiệp ước cải cách của EU.
Sáng 2/10, hơn 3 triệu cử tri Ireland đã bắt đầu đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai về Hiệp ước Lisbon, hiệp ước cải cách của Liên minh châu Âu (EU).

Các điểm bỏ phiếu được mở cửa từ 7 giờ sáng (giờ địa phương) và sẽ kéo dài tới 10 giờ tối.

Ireland phải tiến hành trưng cầu ý dân lần hai về Hiệp ước Lisbon do lần trưng cầu trước vào tháng 6/2008 bị thất bại khi có trên 53% cử tri bỏ phiếu bác bỏ hiệp ước này.

Sau "sự cố" này, tiến trình phê chuẩn Hiệp ước Lisbon buộc phải kéo dài và hiệp ước đã không thể có hiệu lực vào đầu năm 2009 như kế hoạch. Ireland là nước duy nhất trong số 27 thành viên EU áp dụng hình thức trưng cầu ý dân để thông qua Hiệp ước Lisbon, các nước còn lại đều thông qua bằng việc bỏ phiếu tại quốc hội.

Cuộc trưng cầu ý dân lần này ở Ireland mang ý nghĩa đặc biệt và đang được các nhà lãnh đạo châu Âu theo dõi chặt chẽ với hy vọng cử tri Ireland sẽ không một lần nữa quay lưng lại với Hiệp ước Lisbon, tránh đẩy EU rơi vào một cuộc khủng hoảng mới về thể chế.

Giới lãnh đạo Ireland thời gian qua đã phải liên tục mở các cuộc vận động cử tri ủng hộ Hiệp ước Lisbon. Thủ tướng Ireland Brian Cowen đã cảnh báo việc bác bỏ hiệp ước một lần nữa sẽ huỷ hoại những nỗ lực vực dậy nền kinh tế đang rơi vào suy thoái của nước này và tách Ireland khỏi tiến trình phát triển chung của châu Âu.

Ngoại trưởng Ireland Micheal Martin kêu gọi cử tri trả lời "có" trong cuộc trưng cầu ý dân vì cho rằng chỉ ủng hộ Hiệp ước Lisbon, kinh tế Ireland mới thoát khỏi suy thoái.

Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận mới nhất ở Ireland, công bố trước giờ bỏ phiếu, số người ủng hộ Hiệp ước Lisbon vào khoảng 55%, trong khi số người phản đối chỉ khoảng 27%.

Nếu cuộc trưng cầu ý dân lần này ở Ireland thành công, tức là được trên 50% số phiếu ủng hộ, thì điều này sẽ tăng sức ép để Tổng thống Séc và Ba Lan, vốn đang chờ kết quả từ Ireland, ký phê chuẩn Hiệp ước Lisbon, loại bỏ những rào cản cuối cùng để hiệp ước có thể thực thi vào năm tới.

Khi đó, cơ cấu hoạt động cũng như việc hoạch định các chính sách của EU sẽ được thay đổi cơ bản theo hướng đơn giản hóa hơn nhiều so với hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục