IS tìm ra điểm yếu, tàn sát "siêu tăng" Leopard lừng danh

Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã nhận diện được một điểm yếu của chiếc xe tăng chủ lực danh tiếng lừng lẫy Leopard 2 và tiêu diệt một chục chiếc xe này ở miền Bắc Syria.
IS tìm ra điểm yếu, tàn sát "siêu tăng" Leopard lừng danh ảnh 1Thành viên IS thậm chí đã bắt sống một chiếc Leopard 2A4 sau các cuộc giao tranh với quân Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: Defence Blog)

Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã nhận diện được một điểm yếu của chiếc xe tăng chủ lực danh tiếng lừng lẫy Leopard 2 và tiêu diệt một chục chiếc xe này ở miền Bắc Syria, sau các cuộc giao tranh với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Thông tin gây sốc trên do chính tờ Die Welt của Đức công bố.

Thông qua nhiều cuộc chiến ở Afghanistan, Kosovo và những nơi khác, xe Leopard 2 đã gây dựng danh tiếng như một chiếc tăng chủ lực "không thể bị tiêu diệt." Trong một trường hợp, quân đội Canada từng lái một xe Leopard đi qua một quả bom cỡ lớn mà Taliban gài sẵn. Quả bom phát nổ, nhưng chiếc xe vẫn sống sót.

Tuy nhiên những người lính Thổ Nhĩ Kỳ đang chống lại IS ở miền Bắc Syria lại có một trải nghiệm khác. Theo bài viết của Die Welt, các tay súng IS ở thành phố Al Bab đã khiến một chục chiếc Leopard 2A4 bị tiêu diệt.

IS tìm ra điểm yếu, tàn sát "siêu tăng" Leopard lừng danh ảnh 2Một danh sách được tung lên Twitter cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đã mất 10 chiếc Leopard 2A4. (Nguồn: Twitter)

Nhằm tìm kiếm câu trả lời, một số blogger người Đức đã phỏng đoán rằng thất bại về năng lực chỉ huy hoặc sự thiếu kinh nghiệm của binh lính Thổ Nhĩ Kỳ có thể là nguyên nhân khiến nhiều xe Leopard bị tiêu diệt. Tuy nhiên vấn đề cơ bản có vẻ lại nằm trong câu hỏi: liệu Leopard 2 có phù hợp để chiến đấu trong môi trường đô thị?

"Ý tưởng chế tạo Leopard 2 xuất hiện vào thời kỳ kẻ thù được đánh giá sẽ tấn công thẳng mặt chiếc xe tăng. Tư duy thiết kế này cũng xuất hiện tại những chiếc tăng chủ lực khác của thế giới, ngay cả với siêu tăng T-14 Armata của Nga," Die Welt viết. "Những chiếc xe bánh xích hạng nặng này được chế tạo để tham gia các cuộc đấu tăng tay đôi và có sự bảo vệ tối đa ở khu vực giáp trước, bên cạnh việc có góc nghiêng nhỏ. Nhưng do những loại tên lửa chống tăng như Kornet của Nga có thể xuyên thủng lớp giáp dày tới 1,2m, các khu vực được bảo vệ kém của chiếc xe sẽ dễ bị tổn thương."

"Trong cuộc chiến tại thị trấn al-Bath, những chiếc xe tăng Leopard đã gần 30 năm tuổi thường bị IS dùng vũ khí chống tăng bắn ở phía sau và đôi khi là ở bên hông. Đó đều là những nơi chiếc xe được bảo vệ kém. Binh lính đồng tình rằng một cuộc chiến ở đô thị không thể so sánh với một cuộc đấu tay đôi trên một vùng đất rộng rãi, trống trải, nơi những chiếc xe tăng thường tấn công mục tiêu nằm cách nó 2-3km," tờ báo viết thêm.

IS tìm ra điểm yếu, tàn sát "siêu tăng" Leopard lừng danh ảnh 3Xe Leopard 2 đời mới đã được trang bị hệ thống giáp mới, sử dụng vật liệu composite hiện đại. (Nguồn: Sputnik)

Theo một bài viết từ tạp chí European Security and Technology, xe tăng Leopard đang hoạt động trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt dễ tổn thương do chúng không có các lớp bảo vệ tăng thêm như giáp phản ứng nổ, hệ thống bảo vệ chủ động (APS).

Tạp chí này cho biết IS thậm chí đã tiêu diệt các xe Leopard bằng cách bắn thẳng vào tháp pháo của xe, khiến đạn chứa trên trong phát nổ. Tuy nhiên, trong khi giáp phản ứng nổ và APS làm xe tăng được bảo vệ tốt hơn, nó cũng khiến chiếc xe trở nên nặng nề hơn. Bộ Quốc phòng Đức cho Die Welt biết rằng phiên bản mới nhất của xe Leopard 2 là A7V có khả năng bảo vệ cao hơn rất nhiều xe 2A4, hiện không còn được quân đội Đức sử dụng nữa.

Các xe Leopard 2A7, với 20 chiếc đã được đưa vào trang bị trong quân đội Đức hồi năm 2014, có một lớp giáp composite đặc biệt, có khả năng bảo vệ xe rất tốt. Tuy nhiên chúng vẫn không được trang bị giáp phản ứng nổ. Singapore, nước mua 96 chiếc Leopard 2A4 từ năm 2006 tới 2009, đã nâng cấp chúng bằng hệ thống bảo vệ AMAP. Đây thực ra là một lớp giáp composite do công ty IBD Deisenroth Engineering của Đức cung cấp./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục