IS và al-Qaeda lợi dụng Internet, mạng xã hội phục vụ khủng bố

IS và al-Qaeda đang lợi dụng Internet, mạng xã hội phục vụ khủng bố

Hội đồng Bảo an quan ngại về việc IS, al-Qaeda và các cá nhân, tổ chức liên quan tìm cách lợi dụng khoa học cộng nghệ, bao gồm cả mạng Internet và các mạng truyền thông xã hội phục vụ khủng bố.
IS và al-Qaeda đang lợi dụng Internet, mạng xã hội phục vụ khủng bố ảnh 1Các tay súng al-Qaeda tại Yemen. (Nguồn: albawaba)

Ngày 11/5, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức phiên họp thảo luận về các nguy cơ khủng bố đe dọa đến hòa bình và an ninh quốc tế.

Hội đồng Bảo an bày tỏ quan ngại về việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda và các cá nhân, tổ chức liên quan đang lợi dụng danh nghĩa tôn giáo để biện minh cho các hành động bạo lực, đồng thời lấy cớ để tuyển mộ chiến binh từ nước ngoài, huy động các nguồn lực, đặc biệt chúng còn tìm cách lợi dụng khoa học cộng nghệ, bao gồm cả mạng Internet và các mạng truyền thông xã hội phục vụ các hoạt động khủng bố.

Hội đồng Bảo an cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc đấu tranh chống lại các thế lực đen tối này là vấn đề bức thiết, do đó các nước cần cam kết đấu tranh chống lại khủng bố. Cộng đồng quốc tế cần tìm hiểu rõ động lực thúc đẩy các đối tượng khủng bố tiến hành các hoạt động tấn công, tuyển mộ người; phát triển các phương tiện truyền thông phục vụ công tác tuyên truyền chống khủng bố, nhất là việc chống lại các hoạt động tuyên truyền lôi kéo, tuyển mộ người thông qua mạng Internet của các đối tượng khủng bố.

Trong bài tham luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch đồng thời là cố vấn của tập đoàn Microsoft Steven A.Crown cho biết việc lợi dụng Internet của các đối tượng khủng bố được xem là thách thức mang tính toàn cầu. Do đó vấn đề này không thể giải quyết thông qua các hoạt động đơn lẻ của các công ty ứng dụng Internet hoặc của các quốc gia, các tổ chức phi chính phủ, mà phải thông qua sự kết hợp hoạt động của tất cả các chủ thể này.

Theo ông Crown, trong cuộc chiến ngăn chặn các hoạt động lợi dụng Internet của các phần tử khủng bố, quan hệ đối tác công-tư đóng vai trò quan trọng và tính minh bạch là yếu tố then chốt.

Ngoài ra, các biện pháp khác cũng được Hội đồng Bảo an đề cập tới như tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vạch trần âm mưu, hoạt động của các đối tượng khủng bố để nâng cao nhận thức cho người dân; sử dụng các biện pháp để đấu tranh hiệu quả với các hoạt động cực đoan và tuyển mộ người của IS, al-Qaeda và các cá nhân, tổ chức khủng bố liên quan; tăng cường cơ chế hợp tác chống khủng bố; tăng cường năng lực chống khủng bố cho các quốc gia thành viên; thúc đẩy các nguồn lực cần thiết cho cuộc chiến này.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tái khẳng định rằng chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức đều không liên quan tới tôn giáo, quốc tịch hoặc bất kỳ nền văn minh nào. Chủ nghĩa khủng bố là một mối đe dọa đến hòa bình và an ninh quốc tế.

Các hoạt động khủng bố dù được thực hiện bất cứ khi nào, ở đâu, dưới bất kỳ hình thức nào và với động cơ gì đều là tội phạm. Hoạt động đấu tranh chống khủng bố phải tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹ lãnh thổ và sự độc lập về chính trị của tất cả các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc.

Cơ quan quyền lực tối cao của Liên hợp quốc nhấn mạnh chủ nghĩa khủng bố chỉ có thể bị đánh bại nếu các nước có sự tham gia, hợp tác toàn diện, bền vững của tất cả các quốc gia, các tổ chức quốc tế và khu vực… nhằm đấu tranh ngăn chặn các nguy cơ khủng bố, kiên trì thực hiện chiến lược chống khủn bố toàn cầu của Liên hợp quốc.

Các quốc gia thành viên cần đảm bảo thực hiện các biện pháp đấu tranh chống khủng bố phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và tuân thủ đúng các quyền và nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế quy định đặc biệt là luật về quyền con người, luật di cư và luật nhân đạo quốc tế.

Ngoài ra, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng đề nghị Ủy ban Chống khủng bố cùng Ban giám đốc điều hành chống khủng bố (CTED), các cơ quan Liên hợp quốc liên quan cùng các tổ chức quốc tế và khu vực, nhất là Cơ quan Đặc trách chống khủng bố của Liên hợp quốc (CTITF) và các quốc gia thành viên quan tâm gửi các đề xuất cho Hội đồng Bảo an trong thời hạn cho đến ngày 30/4/2017 về các định hướng, kinh nghiệm chống khủng bố hiệu quả phù hợp với luật pháp quốc tế để xây dựng khung chương trình quốc tế toàn diện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục