ISEAS: Ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á

ISEAS đã khảo sát các chuyên gia và học giả để có được những góc nhìn mới mẻ và sâu sắc về mức độ ảnh hưởng của hai cường quốc thế giới là Mỹ và Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á.
ISEAS: Ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á

Theo The Straits Times, mới đây Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute) đã thực hiện các cuộc khảo sát với giới chuyên gia và học giả để có được những góc nhìn mới mẻ và sâu sắc về mức độ ảnh hưởng của hai cường quốc thế giới là Mỹ và Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á.

Đông Nam Á đã trở thành tâm điểm chú ý trong thập kỷ vừa qua. Nơi đây được công nhận là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất và năng động về kinh tế trên thế giới mà các nhà đầu tư và kinh doanh toàn cầu đều mong muốn có phần trong đó.

Bên cạnh đó, sự tranh giành ảnh hưởng trong khu vực ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Mỹ đã trở thành vấn đề gây nhiều quan ngại.

Ảnh hưởng bao trùm của Trung Quốc đối với khu vực

Trung Quốc được coi là cường quốc kinh tế có ảnh hưởng nhất ở khu vực Đông Nam Á, với tỷ lệ cao hơn so với cuộc thăm dò dư luận được thực hiện vào năm 2019.

Một số nhà kinh tế có thể chưa hoàn toàn tán thành điều này, vì nhận định này được cho là không khớp với dữ liệu kinh tế khách quan.

Chẳng hạn, số liệu thống kê chính thức của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2018 cho thấy Trung Quốc đứng sau Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản về dòng vốn đầu tư bên ngoài vào khu vực Đông Nam Á.

Tương tự, về sự hiện diện của công ty, các công ty Trung Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ so với các công ty từ Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.

Ngay cả về thương mại, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của nhiều nước ASEAN, nước này chỉ đóng góp 18% tổng thương mại của khu vực.

Một lý do giải thích cho kết quả này có thể là Trung Quốc chi phối các lĩnh vực dễ nhận thấy, ví dụ như du lịch. Ngành du lịch khu vực cũng đang phải có hành động nhanh chóng khi chứng kiến những tác động từ sự sụt giảm lượng du khách Trung Quốc do dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) gây ra.

Một nguyên nhân khác cũng có thể là bởi Chính phủ Trung Quốc được cho là có liên quan nhiều hơn đến các dự án của các công ty Trung Quốc và đương nhiên điều này thu hút sự chú ý của các phương tiện truyền thông.

Chẳng hạn, mặc dù Chính phủ Malaysia đàm phán với Bắc Kinh về dự án xây dựng tuyến đường sắt duyên hải miền Đông dù đây là dự án đầu tư của công ty, nhưng người ta cho rằng Kuala Lumpur sẽ không đàm phán với Washington về các dự án đầu tư của Microsoft hay Dells. Nếu đây quả thực là một yếu tố có tính chi phối thì bản chất của hệ thống kinh tế Trung Quốc sẽ luôn làm cho nước này có tầm ảnh hưởng lớn hơn.

[Cuộc chiến Mỹ-Trung Quốc định hình thương mại toàn cầu]

Tuy nhiên, ngay cả khi hơn 70% số người tham gia khảo sát nhận định Trung Quốc là nền kinh tế có ảnh hưởng nhất đối với khu vực.

Vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn về điều này, đặc biệt là khi một số người cho rằng Mỹ mới là nước có ảnh hưởng kinh tế lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Các câu hỏi về Trung Quốc cũng nổi lên trong một loạt vấn đề khác liên quan đến sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của nước này.

Trong khi phần lớn 10 nước thành viên ASEAN hoan nghênh vốn đầu tư trong khuôn khổ các dự án của BRI từ Trung Quốc, đa số những người tham gia cuộc khảo sát không tin tưởng vào sự đảm bảo của Bắc Kinh về một giao dịch bình đẳng đối với các quốc gia Đông Nam Á. Việt Nam, Philippines và Indonesia là những nước hoài nghi nhất.

Ở Myanmar, quốc gia mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực chuyến thăm cấp nhà nước đến đây vào tháng trước và khởi động lại ba dự án RBI lớn, cứ 10 người được hỏi, có 6 người hầu như không tin vào kế hoạch này.

Ngay cả những người được khảo sát ở Campuchia, một trong những đối tác thân cận nhất của Trung Quốc, cũng chỉ có thái độ tích cực hơn một chút trong các câu trả lời của họ. Brunei là ngoại lệ duy nhất có thái độ hoàn toàn tích cực về những sự đảm bảo của Trung Quốc đối với BRI.

Sự thận trọng này bắt nguồn từ nhận thức về thái độ của Trung Quốc đối với những vấn đề chung như hòa bình, sự thịnh vượng và quản trị toàn cầu. Chỉ 16% số người được hỏi tin tưởng vào hành động của Trung Quốc vì những mục tiêu chung trong khi hơn 60% lựa chọn ngược lại. Số người nói không đã gia tăng trong năm vừa qua.

Xem xét kỹ hơn về phản ứng ở cấp quốc gia cho thấy đa số ở hai nước Brunei và Lào có thái độ lạc quan đối với Trung Quốc. Trong những kết quả này cũng có sự phân chia về độ tuổi, người trẻ tuổi hoài nghi về Trung Quốc hơn. Điều này làm gia tăng khả năng những lo ngại về Trung Quốc sẽ kéo dài và thậm chí có thể tăng lên.

Trong khu vực, hầu hết đều cho rằng Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU), vốn là những bên ủng hộ tự do thương mại sẽ dẫn đầu trong những hành động vì mục tiêu chung.

Trung Quốc và Mỹ tụt lại phía sau, với mỗi nước chỉ nhận được 15% số câu trả lời có. Mỹ làm tốt hơn Trung Quốc trong lĩnh vực duy trì trật tự dựa trên nguyên tắc và luật pháp quốc tế.

Liệu Trung Quốc đã đánh mất lòng tin của Đông Nam Á? Thực tế là nếu nhìn nhận về trung hạn, mối quan hệ giữa Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á đang trên đà phát triển.

ISEAS: Ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á ảnh 1Biểu tượng mạng 5G. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhìn chung số người có cái nhìn lạc quan về mối quan hệ này nhiều hơn số người có thái độ bi quan. Con số này cũng tương tự đối với vấn đề phát triển mạng 5G, lĩnh vực mà các công ty Trung Quốc đứng thứ hai chỉ sau hãng Samsung của Hàn Quốc.

Quyết định gần đây của Vương quốc Anh "bật đèn xanh" cho tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc tham gia phát triển hệ thống mạng 5G trong tương lai của nước này cho thấy sự cởi mở của Anh bất chấp mối quan hệ chặt chẽ giữa London và Washington. Sự cởi mở này là cái mà Trung Quốc có thể dựa vào để lấy lại lòng tin.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc gia tăng hơn nữa sự chi phối về kinh tế và đưa ra các yêu sách trong vấn đề Biển Đông và sông Mekong khiến những người lạc quan dần có cái nhìn tiêu cực đối với Bắc Kinh.

Mỹ ở Đông Nam Á: Đến hay đi?

Theo kết quả của cuộc khảo sát năm 2020, Trung Quốc đã vượt trên Mỹ để trở thành bên tham gia chính trị và chiến lược có ảnh hưởng nhất ở khu vực Đông Nam Á, mặc dù kết quả khảo sát năm 2019 cho thấy Mỹ chi phối lĩnh vực chính trị-an ninh trong khu vực.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã tích cực gia tăng ảnh hưởng ở khu vực châu Á kể từ khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống, đặc biệt đối với vấn đề Trung Quốc và Triều Tiên.

Mỹ cũng đã tăng cường các hoạt động “tự do hàng hải” ở Biển Đông, mở rộng những ranh giới trong quan hệ với vùng lãnh thổ Đài Loan và tăng cường quan hệ với các nước chủ chốt như Nhật Bản, Philippines và Việt Nam.

Cùng với Quốc hội, Chính phủ Mỹ thậm chí đã thành lập một đơn vị và lập sẵn một khoản tài trợ khiêm tốn để cạnh tranh với sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực.

Bất chấp điều này, năm 2019 đã chứng kiến sự hoài nghi gia tăng trong khu vực về sự can dự của Mỹ đối với Đông Nam Á. Một tỷ lệ đáng kinh ngạc gần 80% số người được hỏi cho rằng sự can dự của Mỹ dưới thời Chính quyền của ông Donald Trump đã giảm xuống so với thời Tổng thống Barack Obama.

Một điều dễ nhận thấy là sự hiện diện của Mỹ trong các cuộc họp của khu vực đã giảm sút, đặc biệt là thời điểm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) năm 2019.

Trong hai năm qua, Mỹ đã đưa ra những khái niệm chiến lược mới đối với khu vực và khôi phục những khái niệm còn “ngủ đông.” Tuy nhiên, những hành động của Mỹ vẫn chưa đủ thuyết phục.

Đa số các chuyên gia cho rằng khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thiếu rõ ràng bất chấp việc Lầu Năm Góc đã đưa ra Báo cáo về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hồi tháng 6/2019.

Tuy nhiên, hành động của Mỹ nhằm bổ sung cho khái niệm này đã giúp nước này giành được sự quan tâm lớn hơn. Ngày càng nhiều nhà phân tích cho rằng đây là trật tự khu vực mới khả thi. Họ nhất trí với đường lối của Washington rằng khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không phải để kiềm chế Trung Quốc, nhưng nhiều người cũng lo ngại rằng cơ chế này sẽ làm xói mòn vai trò của ASEAN.

[Chiến lược gây ảnh hưởng ở Đông Nam Á của Trung Quốc không hiệu quả] 

Nhiều lần Mỹ đã nhắc lại cam kết của mình đối với vai trò trung tâm của ASEAN, nhưng những lời khẳng định này có thể mâu thuẫn với những hành động của Mỹ, đặc biệt là sự hiện diện thấp của nước này tại EAS.

Khu vực này cũng không tin vào ảnh hưởng của Đối thoại an ninh "bộ tứ" (Quad), một dàn xếp phi chính thức giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Quad đã tổ chức cấp thảo luận cao nhất của nhóm vào tháng 9/2019 bên lề hội nghị của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, thái độ hoài nghi này không biến thành sự miễn cưỡng tham gia các sáng kiến và hành động của Quad. Nhất quán với quan điểm "mở cửa và bao trùm" thông thường của ASEAN, các chuyên gia tin rằng các nước trong khu vực cần tham gia các hoạt động của nhóm này. Campuchia là nước duy nhất có đa số rõ ràng các chuyên gia phản đối ý tưởng tham gia các hoạt động của Quad.

Bên cạnh đó, khi phải đối mặt với sự lựa chọn ASEAN cần đứng về bên nào giữa Mỹ và Trung Quốc, hơn một nửa số người được hỏi lựa chọn Mỹ. Tuy nhiên, kết quả này khác nhau giữa các nước, với việc Trung Quốc là sự lựa chọn rõ ràng đối với 5 nước thành viên ASEAN như đã nói ở trên.

Hướng tới Nhật Bản và EU

Đối với vấn đề rộng hơn là lòng tin vào việc Mỹ sẽ làm điều đúng đắn vì lợi ích toàn cầu, kết quả khảo sát năm 2020 đã có sự thay đổi khi tỷ lệ những người tin tưởng vào Mỹ cao hơn, với 30% hiện nay so với 27% vào năm ngoái.

Philippines và Việt Nam, hai nước có tranh chấp lãnh thổ rõ ràng nhất với Trung Quốc trong những năm gần đây, là những nước có đa số người dân tin rằng Mỹ sẽ hành động đúng.

Tuy nhiên, lòng tin của khu vực đối với Mỹ vẫn thấp hơn khi so sánh với lòng tin vào Nhật Bản vốn chiếm hơn 60% số người được hỏi. Mỹ cũng đứng sau EU với 39%. Đây là những nước và liên minh mà các quốc gia Đông Nam Á có thể coi là “bên thứ ba” để phòng ngừa tình trạng bất trắc khi mà căng thẳng Mỹ-Trung leo thang.

Cứ 10 người được hỏi thì có 4 người lựa chọn Nhật Bản trong khi cứ 3 người được hỏi, có 1 người lựa chọn EU.

Trong những lĩnh vực cụ thể về mục tiêu thịnh vượng chung, Mỹ tiếp tục được đánh giá cao, liên quan đến vấn đề duy trì trật tự dựa trên nguyên tắc và luật pháp quốc tế, chỉ đứng sau EU. Tuy nhiên, Mỹ đứng sau cả Nhật Bản và EU về tự do thương mại.

Điều đáng chú ý là Trung Quốc được cho là ngang hàng với Mỹ trong vai trò lãnh đạo đối với tự do thương mại. Kết quả này có thể hiểu được khi Washington rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và thái độ quyết đoán của Mỹ thời gian gần đây đối với các vấn đề thương mại.

Bên cạnh đó, Mỹ vẫn là lựa chọn hàng đầu cho giáo dục phổ thông và tiếng Anh - ngoại ngữ được ưa thích nhất trong khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục