Israel coi Palestine là một "đối tác trong hòa bình"

Thủ tướng Israel Netanyahu đã gọi Tổng thống Abbas là "đối tác trong hòa bình" và kêu gọi chấm dứt hàng thập kỷ xung đột giữa 2 bên.
Sau gần hai năm đình trệ, Israel và Palestine nối lại đàm phán trực tiếp lần đầu tiên vào ngày 2/9 tại Washington, Mỹ.

Một ngày trước khi hai bên ngồi vào bàn đàm phán, Tổng thống nước chủ nhà Barack Obama đã có các cuộc gặp song phương với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng.

Ông Obama sau đó dùng bữa tối chung với các nhà lãnh đạo khác ở Trung Đông trong một nỗ lực nhằm đi đến một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine trong vòng một năm.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, người sẽ chủ trì cuộc đàm phán, cũng đã có cuộc gặp riêng với hai nhà lãnh đạo Palestine và Israel.

Bày tỏ sự lạc quan về tiến trình đàm phán hòa bình Trung Đông lần này, Đặc phái viên Mỹ George Mitchell tuyên bố các cuộc thương lượng sẽ hoàn tất trong vòng một năm và Mỹ sẽ tham gia với sự kiên trì và nhẫn nại để mang lại một kết quả thành công.

Dự kiến cuộc hòa đàm có sự tham dự của Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak và Quốc vương Abdullah của Jordan, hai nước Arập đã ký kết thỏa thuận hòa bình với Israel.

Phát biểu tại Nhà Trắng, Thủ tướng Israel Netanyahu đã gọi Tổng thống Abbas là "đối tác trong hòa bình" và kêu gọi nhà lãnh đạo Palestine cùng tham gia tiến tới một "thỏa thuận lịch sử" nhằm chấm dứt hàng thập kỷ xung đột giữa hai bên.

Đáp lại, Tổng thống Abbas một lần nữa yêu cầu phía Israel ngừng mọi hoạt động xây dựng khu định cư ở Bờ Tây.

Trả lời phỏng vấn nhật báo Al-Ayyam trước đó, Tổng thống Palestine tuyên bố có thể đạt được thỏa thuận hòa bình với Israel trong vòng một năm tới.

Ông khẳng định Palestine sẵn sàng chấp nhận thực hiện dần thỏa thuận hòa bình theo các giai đoạn hợp lý, đồng thời kêu gọi Israel gia hạn dừng xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây để cuộc đàm phán diễn ra một cách nghiêm túc.

Quyết định của Thủ tướng Israel ngừng xây nhà định cư ở Bờ Tây trong 10 tháng sẽ hết hiệu lực vào ngày 26/9 tới.

Trong khi đó, từ Jerusalem, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak cho biết nước này có thể trao cho người Palestine một phần thành phố Jerusalem trong khuôn khổ một hiệp định toàn diện, theo đó sẵn sàng nhượng lại các khu vực Arập ở Đông Jerusalem cho Nhà nước Palestine tương lai.

Nhật báo Ha'aretz (Israel) dẫn lời ông Barak tuyên bố giải pháp chia cắt Jerusalem có thể sẽ được phía Israel chấp thuận và sẽ gắn liền với một "chế độ quản trị đặc biệt" vùng đất Thánh của 3 tôn giáo lớn.

Tuy nhiên, đề xuất này không phù hợp với quan điểm của Thủ tướng Netanyahu, người từng nhiều lần khẳng định Jerusalem mãi mãi là thủ đô không thể bị chia cắt của Israel, và ông sẽ không thảo luận vấn đề này trong bất kỳ thỏa thuận nào với Tổng thống Palestine.

Trước đây, giải pháp chia Jerusalem đã từng được thủ tướng tiền nhiệm thuộc cánh tả là ông Ehud Olmert đưa ra cách đây 2 năm khi đàm phán với nhà lãnh đạo Palestine Abbas, nhưng cuối cùng đàm phán thất bại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục