Israel lên kế hoạch xây hơn 15.000 nhà ở tại khu vực chiếm đóng

Israel sẽ xây dựng hơn 15.000 đơn vị nhà ở mới tại sân bay bỏ hoang Atarot nằm phía Bắc của Đông Jerusalem và giữa các khu vực chiếm đóng của người Palestine là Bờ Tây và Đông al-Quds.
Israel lên kế hoạch xây hơn 15.000 nhà ở tại khu vực chiếm đóng ảnh 1Toàn cảnh khu định cư Ramot, phía đông Jerusalem. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Israel đang lên kế hoạch xây dựng hơn 15.000 đơn vị nhà ở mới tại sân bay bỏ hoang Atarot nằm phía Bắc của Đông Jerusalem và giữa các khu vực chiếm đóng của người Palestine là Bờ Tây và Đông al-Quds.

Trang thông tin Walla của Israel cho hay kế hoạch trên đang chờ phê duyệt của Ủy ban Quy hoạch và Xây dựng nước này trước khi được chính thức khởi công.

Việc chính quyền Israel tăng cường mở rộng các khu định cư tại các khu vực chiếm đóng của người Palestine ở Bờ Tây đã vấp phải sự phản đối từ nội bộ nước này và cộng đồng quốc tế.

Ngày 5/6, thành viên của Quốc hội Israel (Knesset), Nachman Shai cảnh báo việc xây dựng các nhà ở này sẽ vấp phải một làn sóng phản đối mới.

Tổ chức phi lợi nhuận Ir Amim cũng lên án kế hoạch nói trên và gọi đây là "một sự xấu hổ," cho rằng "thay vì đưa ra kế hoạch thúc đẩy bình đẳng và giảm căng thẳng tại thành thị, Israel đang cố gắng bán các kế hoạch xây dựng gây tranh cãi."

Trong tháng Tư vừa qua, nhóm nhân quyền Peace Now cho biết số lượng các khu định cư của Israel đang lên kế hoạch xây dựng ở khu Bờ Tây trong quý 1/2016 đã tăng gấp ba so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến nay, hơn 500.000 người Do Thái sống tại hơn 230 khu định cư đã được xây dựng từ năm 1967 trên đất chiếm đóng của người Palestine ở Bờ Tây và Đông Jerusalem. Theo luật pháp quốc tế, tất cả các khu định cư này của Israel đều bị coi là bất hợp pháp.

Liên minh châu Âu (EU) đã cấm nhập khẩu các sản phẩm bơ sữa có nguồn gốc từ các khu vực lãnh thổ chiếm đóng của Israel tại khu Bờ Tây kể từ tháng 1/2015.

Theo lệnh cấm này, EU không thừa nhận thẩm quyền của các cơ quan kiểm định Israel tại các vùng lãnh thổ bên ngoài đường biên giới trước năm 1967 và các sản phẩm bơ sữa từ các vùng lãnh thổ này, bao gồm cả Đông Jerusalem và Cao nguyên Golan của Syria, cũng bị cấm nhập khẩu vào EU.

Đây được coi là động thái cụ thể của EU nhằm phản đối hành động xây dựng các khu định cư Do Thái trên phần lãnh thổ chiếm đóng của Palestine. Tuy nhiên, các lệnh cấm trên được đánh giá là không gây ra thiệt hại đáng kể nào cho hoạt động xuất khẩu nông nghiệp của Israel./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục