Israel tạm thời mở rộng phạm vi khu vực đánh bắt cá ở Dải Gaza

Giới chức Israel ngày 10/4 thông báo sẽ mở rộng phạm vi khu vực đánh bắt cá ở Dải Gaza từ 6-9 hải l‎ý trước mùa đánh bắt sắp tới.
Israel tạm thời mở rộng phạm vi khu vực đánh bắt cá ở Dải Gaza ảnh 1Ngư dân đánh bắt cá ở Dải Gaza. (Nguồn: AFP)

Giới chức Israel ngày 10/4 thông báo sẽ mở rộng phạm vi khu vực đánh bắt cá ở Dải Gaza từ 6-9 hải l‎ý trước mùa đánh bắt sắp tới.

Trong thông báo, Điều phối viên các hoạt động của chính phủ Israel tại các vùng lãnh thổ, Thiếu tướng Yoav Mordechai nêu rõ việc nới lỏng hạn chế đánh bắt cá sẽ có hiệu lực trong ba tháng, tính từ ngày 10/4.

Theo thông báo trên, để chuẩn bị cho việc nới lỏng hạn chế, nhiều cuộc họp đã được tiến hành giữa đại diện các bên bao gồm Hải quân Israel, Hiệp hội Ngư dân Gaza, Văn phòng Liên lạc và Điều phối Palestine và Bộ Nông nghiệp Palestine nhằm đưa ra các biện pháp an ninh để ngăn chặn việc đánh bắt ở những khu vực không được phép.

Nghề đánh bắt mang lại nguồn thu quan trọng thứ hai đối với Dải Gaza, là nguồn thực phẩm chủ yếu và là động lực phát triển kinh tế của người dân ở vùng lãnh thổ Palestine này.

Theo số liệu chính thức của Israel, việc mở rộng vùng đánh bắt cá vào tháng 10-11/2017 giúp giảm giá cá và tăng sản lượng đánh bắt. Khoảng 62 tấn cá đã được xuất khẩu trong năm 2017. Ngoài ra, việc mở rộng phạm vi đánh bắt đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người dân ở Dải Gaza.

Theo thống kê năm ngoái, tỷ lệ nghèo tại Dải Gaza đã vượt ngưỡng 40% trong bối cảnh vùng đất này chịu hơn 10 năm phong tỏa và cấm vận của Israel. 80% trong tổng số 2 triệu người dân Palestine tại Gaza sống nhờ vào nguồn viện trợ từ các tổ chức nhân đạo của Palestine và quốc tế.

Israel và Ai Cập đã áp đặt phong tỏa Dải Gaza từ năm 2007. Theo đó, Israel hạn chế nghiêm ngặt việc người dân ra vào vùng lãnh thổ này cũng như lưu thông hàng hóa. Trong khi đó, xung đột vũ trang giữa Israel và Palestine cũng tàn phá nặng nề Dải Gaza, trong đó cuộc xung đột kéo dài nhất diễn ra 50 ngày hồi mùa Hè năm 2014 đã phá hủy nhà cửa và cơ sở hạ tầng tại đây.

Bên cạnh sự phong tỏa của Israel, lượng hàng viện trợ nhân đạo từ các nước Arab và cộng đồng quốc tế tới Gaza đã giảm đáng kể trong hai năm qua vì Ai Cập đóng cửa khẩu biên giới Rafah với vùng đất này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục