Cùng với tuyên bố mạnh mẽ của Thủ tướng Israel Naftali Bennett tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), một loạt báo cáo về số lượng công ty khởi nghiệp và thành tựu công nghệ trong lĩnh vực này được đưa ra trong tuần qua tại Israel.
Tờ Haaretz ngày 3/11 có bài phân tích về năng lực thực sự của các doanh nghiệp công nghệ Israel. Liệu họ có thể thành công như các lĩnh vực công nghệ khác? Dưới đây là nội dung bài viết:
Israel đã trở thành một cường quốc về công nghệ trong nhiều năm qua, nhất là về số lượng công ty khởi nghiệp (start-up) và vốn dành cho nghiên cứu, phát triển.
Hiện Israel dẫn đầu thế giới về công nghệ an ninh mạng và tự động. Hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt của Israel hiện đại bậc nhất. Israel là một trong 12 quốc gia có thể phóng vệ tinh vào quỹ đạo, và là một trong 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Hiện nay, Israel tự hào về các công ty công nghệ tham gia chống biến đổi khí hậu. Tại COP26, Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã có bài phát biểu đầy tự hào: “Dấu ấn của chúng tôi trong việc giảm phát thải carbon có thể ít, nhưng ảnh hưởng của chúng tôi đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu có thể rất lớn. Nếu tham gia giảm khí CO2, chúng tôi cần đóng góp nguồn năng lượng quý giá nhất của Israel: Năng lượng và sức mạnh của bộ não... Là một quốc gia có tỷ lệ công ty khởi nghiệp (tính theo số dân) cao nhất thế giới, chúng tôi phải huy động nỗ lực để cứu thế giới.”
Có thể phát biểu của ông Bennett nhằm che đậy một sự thật là Israel lâu nay không quan tâm tới chính sách chống biến đổi khí hậu như các quốc gia phát triển khác. Trên thực tế, một tuần trước khi diễn ra COP26 tại Glasgow, Chính phủ Israel đã không thông qua được dự luật về chống biến đổi khí hậu.
[Chưa quá muộn để hành động trong vấn đề biến đổi khí hậu]
Chống biến đổi khí hậu không thể chỉ dựa vào việc giảm số lượng máy bay phát thải CO2 hay tẩy chay cổ phiếu của các công ty năng lượng hóa thạch. Công nghệ đóng một vai trò quan trọng trong giảm lượng khí thải nhà kính.
Công ty tư vấn Boston Consulting ước tính công nghệ hiện tại có thể cho phép thế giới đạt 65% mục tiêu trung hòa CO2 vào năm 2050, miễn là các nước có đủ ý chí chính trị. 35% còn lại sẽ có được từ các công ty phát triển trong thời gian tới.
Về chi phí, Boston dự đoán sẽ mất khoảng 5.000 tỷ USD để phát triển các công nghệ này. Con số trên cho thấy khoa học và công nghệ đóng vai trò quan trọng như thế nào trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Giới công nghệ trên khắp thế giới đã bắt đầu tham gia quá trình này. Vốn đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp công nghệ chống biến đổi khí hậu đã tăng 30% trong năm nay so với năm ngoái, lên 30,8 tỷ USD. Hội nghị COP26 sẽ là một cú hích mới cho làn sóng đầu tư vào công nghệ chống biến đổi khí hậu.
Dường như đây sẽ là một cơ hội tốt cho Israel. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy. Một báo cáo mới đây của Cơ quan Đổi mới Israel (IIA) cho thấy các công ty công nghệ chống biến đổi khí hậu của nước này không có sự thành công vang dội. Báo chí thậm chí còn đưa tin ngược lại.
Báo cáo cho biết Israel có tới 1.200 doanh nghiệp có công nghệ chống biến đổi khí hậu, trong đó chỉ hơn một nửa là công ty khởi nghiệp. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ khác, IIA thừa nhận tín hiệu không tích cực.
Số lượng start-up mới trong lĩnh vực công nghệ chống biến đổi khí hậu đã tăng lên cao nhất vào năm 2016 và chững lại. Tỷ trọng start-up về chống biến đổi khí hậu tăng, nhưng chỉ chiếm chưa đầy 10% tổng số các start-up tại nước này thành lập trong vài năm gần đây.
Các start-up về chống biến đổi khí hậu thường nhỏ, lớn nhất cũng chỉ 50 nhân viên, còn lại chủ yếu dưới 10 nhân viên. So với các công ty khởi nghiệp của châu Âu, các start-up Israel không kêu gọi được nhiều vốn (trong khi các lĩnh vực công nghệ khác, start-up của Israel làm rất tốt). Không có start-up chống biến đổi khí hậu nào đủ sức trở thành “kỳ lân” - tức có vốn hóa thị trường từ 1 tỷ USD trở lên.
Dựa trên các khảo sát, IIA cho biết có 3 nguyên nhân chính khiến các start-up chống biến đổi khí hậu của Israel không lớn mạnh nhanh như các lĩnh vực khác:
Thứ nhất, họ gặp khó khăn trong huy động vốn. Các start-up của Israel chủ yếu là làm phần mềm, nhưng công nghệ chống biến đổi khí hậu lại dựa trên phần cứng. Vì vậy, các công ty sẽ phải huy động nhiều vốn hơn, thời gian phát triển sản phẩm lâu hơn và phức tạp hơn.
IIA không nói ra, nhưng có một sự thật là các start-up công nghệ cao của Israel lâu nay không có khát vọng trưởng thành mà chỉ dừng lại ở giai đoạn “khởi nghiệp,” sau đó bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài và thu lợi nhuận. Chỉ một số ít các start-up có định hướng xây dựng phát triển về lâu dài.
Thứ hai là rào cản pháp lý. Không giống như công nghệ y tế, công nghệ chống biến đổi khí hậu phải đối mặt với những quy định kiểm soát và các tiêu chí thường khá cứng nhắc của ngành. Mỗi quốc gia và thậm chí một tổ chức nhỏ cũng có tiêu chuẩn riêng, đồng nghĩa với việc các start-up phải dành rất nhiều chi phí, thời gian và nhân lực để xử lý.
Cuối cùng là khâu đi vào hoạt động, đưa start-up từ chỗ thử nghiệm để trở thành một doanh nghiệp kinh doanh có lãi. Giai đoạn này đòi hỏi phải có nguồn cung ứng và cần thêm vốn đầu tư. Đây là vấn đề nằm ngoài chuyên môn của các start-up công nghệ.
Một vấn đề nữa mà các start-up công nghệ nói chung ở Israel luôn gặp phải là sự thiếu hụt nhân sự. Với start-up chống biến đổi khí hậu, đây là vấn đề càng khó. Họ không chỉ cần kỹ sư mà còn cần cả luật sư, chuyên gia tài chính và thậm chí cả nhân viên dây chuyền sản xuất. Công nhân có thể kiếm được, nhưng lại không đủ tiêu chuẩn quốc tế. Đối với một start-up non trẻ, phát triển một phần mềm sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Những vấn đề nêu trên không nhằm phủ định năng lực của các công ty khởi nghiệp của Israel, nhưng công nghệ chống biến đổi khí hậu không phải là mảnh đất dễ "canh tác" như các công nghệ khác mà Israel đã thành công.
Sứ mệnh cứu thế giới là không dễ dàng. Nếu có thể đóng góp một điều gì đó, có lễ tốt hơn là nên nghĩ ra một chương trình cụ thể để đạt mục tiêu cân bằng khí thải CO2./.