Israel và Dải Gaza đang đứng "bên miệng hố chiến tranh"?

Israel và Gaza có thể rút khỏi bờ vực chiến tranh, tuy nhiên, sự bất ổn bạo lực có vẻ sẽ vẫn còn tiếp diễn, khiến hai bên chỉ cần một bước nữa là chạm tới chiến tranh.
Israel và Dải Gaza đang đứng "bên miệng hố chiến tranh"? ảnh 1Khói bốc lên sau các cuộc không kích của Israel xuống dải Gaza. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo Reuters, tình trạng bất ổn đầy bạo lực đang ngày càng gia tăng giữa Israel và Gaza - tồi tệ nhất trong vòng 4 năm qua - là điều không mấy ngạc nhiên, bởi mỗi bên đều đang từng bước tiến gần hơn tới chiến tranh với hy vọng sự khiêu khích của mình sẽ khiến bên kia chùn bước.

Đây là một kiểu chính sách “bên miệng hố chiến tranh” - và hiểu được chiến lược này có nghĩa là sẽ hiểu được tình hình nguy hiểm đến mức có thể vượt khỏi tầm kiểm soát của cả hai bên dễ dàng đến mức nào.

Quan hệ Israel-Dải Gaza ngày càng trở nên khốc liệt kể từ khi cuộc biểu tình “Sự trở về vĩ đại” của Palestine bùng phát hồi tháng 3/2018. Kể từ đó, chính quyền Palestine cho biết có 157 người ở Gaza đã thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương.

Hỏa lực từ hai bên đã gia tăng đều đặn trong khi các lệnh ngừng bắn lại sụp đổ nhanh chóng. Lệnh ngừng bắn công bố ngày 30/5 có vẻ đã diễn ra như hứa hẹn, song những lệnh ngừng bắn vào ngày 14/7 và 21/7 lại giống như những tham vọng chứ không phải là kỳ vọng. Sau khi lệnh ngừng bắn ngày 21/7 được thông qua, một quan chức cấp cao của Liên hợp quốc cho biết một cuộc chiến khác sẽ xuất hiện “chỉ sau vài phút nữa."

Cuộc giao tranh này về cơ bản đại diện cho những động thái thương lượng của Israel và Gaza qua các điều khoản trong mối quan hệ của họ. Tuy nhiên, những đòi hỏi của họ liên quan đến an ninh quân sự, hoạt động kinh tế, và trao đổi tù nhân diễn ra không tương thích với nhau. Do đó, mỗi bên đều hy vọng rằng chính sách “bên miệng hố chiến tranh” sẽ buộc bên còn lại phải nhượng bộ. 

Đây là một chiến lược mạnh mẽ nhưng cũng đầy rủi ro. Mỹ từng sử dụng thành công chiến lược này để chống lại Liên Xô trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Cựu Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã tránh được việc nổ ra cuộc chiến tranh hạt nhân bằng cách ra lệnh “cách ly” hải quân Cuba, đồng thời đáp ứng một cách có chọn lọc các yêu cầu của lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev. Họ đã đạt được một thỏa thuận nhằm loại bỏ tên lửa của Liên Xô khỏi hòn đảo Caribe này, nhưng là thời điểm sau khi Liên Xô bắn hạ một máy bay gián điệp của Mỹ và các lực lượng Mỹ đang trong tình trạng sẵn sàng phòng thủ (DEFCON 2) - tình trạng cảnh báo sắp tiến gần tới chiến tranh hạt nhân.

Chiến lược này ít có khả năng thành công hơn khi áp dụng trong cuộc đình công của các nhân viên kiểm soát không lưu Mỹ năm 1981, khi cả công đoàn kiểm soát không lưu lẫn cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan lúc bấy giờ đều không chịu nhún nhường. Tổng thống đã đuổi việc hơn 11.000 nhân viên kiểm soát không lưu khiến các chuyến bay đã bị gián đoạn trong nhiều tháng.

Tình hình Israel-Gaza, giống như hai ví dụ trước đó, cho thấy 3 đặc điểm chính. Thứ nhất, nếu cả hai bên không đạt được một thỏa thuận, họ sẽ phải hứng chịu một thảm họa mà cả hai đều không mong muốn xảy ra.

Cả chính phủ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lẫn Phong trào Kháng chiến Hồi giáo Hamas của Palestine đều không muốn lặp lại Chiến dịch quân sự Vành đai Bảo vệ năm 2014. Trong khi hệ thống tên lửa đánh chặn Iron Dome (Vòm sắt) và các hệ thống phòng thủ dân sự của Israel có thể hạn chế số lượng thương vong gây ra bởi kho tên lửa ước tính hơn 12.000 quả của Hamas, một cuộc chiến tranh khác cũng có thể khiến Israel phải tiêu tốn hàng tỷ USD chi phí cho quân sự và hủy hoại hoạt động kinh tế của mình, giống như những gì Vành đai Bảo vệ đã gây ra.

Về phía Gaza, các cuộc tấn công trên không và trên mặt đất của Israel có thể tàn phá cơ sở vật chất vốn đã èo uột của Gaza cũng như lật đổ hoàn toàn chính phủ Hamas.

[Bộ Quốc phòng Israel tiết lộ hình ảnh về rào chắn trên biển gần Gaza]

Điểm thứ hai của chiến lược “Bên miệng hố chiến tranh” chính là cả hai bên sẽ thận trọng (dù vẫn ngoan cố) nhích dần tới thảm họa. Mỗi bên đều khẳng định sự quyết tâm và sự sẵn sàng của mình để tiếp cận tới bờ vực thảm họa. Mỗi bên đều hy vọng việc đe dọa lẫn nhau sẽ buộc bên còn lại phải nhân nhượng trước. Việc đẩy mạnh sử dụng hỏa lực giữa Israel và Gaza đã minh chứng cho đặc điểm này. Cả hai bên đều tăng cường các phản ứng đáp trả nhau đầy bạo lực trong suốt 4 năm qua khiến vô vàn binh lính bị thương và thiệt mạng.

Lời lẽ cứng rắn của hai bên cũng leo thang tương tự. Tuần trước, Hamas tuyên bố các lực lượng của họ đang ở thế “cảnh giác cao độ nhất." Một bộ trưởng trong nội các Israel đáp trả bằng việc khẳng định nước này đang tạo ra “những bước tiến vĩ đại” hướng đến việc phát động một chiến dịch quân sự. Thủ tướng Netanyahu đã gọi tình thế này là một “cuộc thử thách ý chí."

Điểm thứ ba, đặc biệt có liên quan đến cuộc xung đột này, chính là nguy cơ mất kiểm soát. Cả hai bên đều hoàn toàn muốn ngăn chặn thảm họa. Tuy nhiên, họ biết rằng khả năng cao là chính họ sẽ vô tình vấp ngã vào vực thẳm. Điều này có thể xảy ra với Gaza. Trong khi Hamas điều hành chính phủ, họ đã hạn chế quyền kiểm soát của nhóm thánh chiến Hồi giáo Jihad và các nhóm chiến binh khác ở Palestine. Jihad cho biết họ đã bắt đầu đánh chặn tên lửa từ tháng 5, còn Hamas mãi sau mới tham gia.

Lệnh ngừng bắn thông qua ngày 21/7 đã bị sụp đổ vào ngày 25/7 khi một binh lính Israel bị một tay bắn tỉa làm bị thương, và tay bắn tỉa này được cho là có liên kết với nhóm thánh chiến. Ngày hôm sau, Jihad đơn phương tuyên bố lệnh ngừng bắn đã chấm dứt và 9 quả tên lửa hay đạn pháo đã được bắn từ phía Gaza sang phía Israel.

Israel cũng có thể mắc sai lầm. Các tuyên bố giống như lời kêu gọi triển khai hoạt động quân sự của Bộ trưởng Giáo dục Israel cũng có thể được coi là một sự giả tạo. Những lỗi lầm đơn giản cũng có thể diễn ra. Ví dụ như một quả bom của Israel rơi xuống cũng có thể san phẳng một khu dân cư đông đúc thay vì một khu vực không có người ở của Hamas.

Những rủi ro này được phóng đại bằng những đòn trả đũa vô cùng bạo lực, điều có thể tạo ra những hiểu lầm. Sau khi binh lính thứ hai bị bắn, Israel đã nhanh chóng tấn công Hamas và giết hại 3 người Palestine. Các chiến binh Dải Gaza đáp trả bằng cách bắn 9 tên lửa về phía Israel. Việc này đã làm bùng phát thêm 7 cuộc không kích khác của Israel. Toàn bộ quá trình leo thang xung đột chỉ kéo dài trong vỏn vẹn một ngày.

Israel và Gaza có thể rút khỏi bờ vực chiến tranh. Tuy nhiên, sự bất ổn bạo lực có vẻ sẽ vẫn còn tiếp diễn, khiến hai bên chỉ cần một bước nữa là chạm tới chiến tranh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục