Israel và Palestine đã đàm phán bất chấp căng thẳng

Các nhà đàm phán Palestine và Israel đã tiến hành vòng đàm phán hòa bình lần thứ 16 bất chấp căng thẳng leo thang giữa hai bên.

Chiều 5/11, bất chấp căng thẳng leo thang giữa hai bên, các nhà đàm phán Palestine và Israel đã tiến hành vòng đàm phán thứ 16 kể từ khi tiến trình đàm phán hòa bình được nối lại hồi tháng 7 vừa qua.

Cuộc gặp diễn ra với sự tham dự của Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Martin Indyk và chỉ cách vài giờ trước khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Israel.

Một quan chức cấp cao Israel cho biết bất chấp căng thẳng trong những ngày gần đây xung quanh việc Tel Aviv công bố những kế hoạch xây dựng khu định cư mới, hai bên đảm bảo với Ngoại trưởng Mỹ Kerry sẽ không từ bỏ các cuộc đàm phán và sẽ thực hiện các cam kết tiến hành thương lượng trực tiếp trong suốt khung thời gian chín tháng mà Washington đưa ra.

Trong khi đó, phát biểu sau cuộc đàm phán, một quan chức cấp cao Palestine cho biết các cuộc đàm phán đã bị đổ vỡ trong cuộc gặp ngày 5/11 và khẳng định Palestine không thể tiếp tục cuộc hòa đàm nếu Israel tiếp tục mở rộng hoạt động xây dựng nhà định cư cho người Do Thái tại khu Bờ Tây và Đông Jeusalem.

Ông nói: "Palestine sẽ chỉ tham gia đàm phán trực tiếp nếu Israel ngừng việc xây mới các khu định cư."

Một số quan chức chính quyền Palestine cũng cho rằng bất kỳ kế hoạch hòa bình nào của Mỹ phải gắn liền với hai nguyên tắc, gồm một thỏa thuận lâu dài và một khung thời gian được xác định trước cho việc thực hiện tất cả các giai đoạn, trong đó có những vấn đề cốt lõi.

Truyền thông Israel dẫn lời một quan chức Palestine thân cận với các cuộc thương lượng nói rằng cho tới thời điểm này, Mỹ vẫn giữ quan điểm riêng và chỉ đóng vai trò nhà quan sát thụ động chứ không phải một nhà trung gian hòa giải, tạo ấn tượng rằng người Israel có thể làm những gì họ muốn mà không có bất kỳ trở ngại nào, nhất là liên quan tới việc xây dựng tại các khu định cư.

Quan điểm của Palestine là bất kỳ thỏa thuận nào phải đựa trên các đường biên giới năm 1967, sau đó mới bàn về một khung thời gian và đồng nghĩa với việc đạt được tiến triển lớn.

Các quan chức cấp cao Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) cũng khẳng định rằng khả năng đạt được một thỏa thuận lâu dài đã được bàn đến trong suốt các cuộc đàm phán dẫn đến việc nối lại tiến trình hòa bình, nhưng Israel chưa đồng ý với nguyên tắc đó.

Hơn nữa, theo những quan chức này, chừng nào Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không đồng ý với các đường biên giới năm 1967 và tiếp tục nói về việc duy trì chủ quyền của Israel đối với toàn bộ Jerusalem, thì sẽ không thể có sự đột phá, nhất là khi bàn về những vấn đề quan trọng khác như giải quyết người tị nạn và tù nhân.

Trong khi đó, Ủy viên Thường vụ PLO, bà Hanan Ashrawi cho biết người Mỹ chưa đưa ra bất kỳ đề xuất hay dự thảo hiệp định hòa bình nào, đồng thời nhấn mạnh rằng bất kỳ đề xuất nào thiếu khung thời gian thực hiện và không phải là giải pháp lâu dài thì người Palestine sẽ không thể chấp nhận.

Trước đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng cảnh báo tiến trình hòa bình đã rơi vào bế tắc, mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng tiến trình này đang "tiến triển."

Trong nỗ lực tiếp tục thúc đẩy các vòng đàm phán hòa bình Trung Đông, tối 5/11, Ngoại trưởng Mỹ Kerry đã đến Israel và sẽ gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Jerusalem và Tổng thống Palestine Abbas tại Bethlehem ngày 6/11.

Dự kiến ông Abbas sẽ đề nghị Washington đóng vai trò tích cực hơn và giới thiệu những chủ trương cho một thỏa thuận lâu dài giữa Israel và Palestine trước khi giai đoạn đàm phán chín tháng kết thúc vào tháng 3/2014.

Trước chuyến thăm của Ngoại trưởng John Kerry, Mỹ dự định đưa ra một kế hoạch riêng liên quan đến một dự thảo thỏa thuận khung nhằm xác lập vị thế lâu dài giữa Israel và Palestine.

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới truyền thông, Mỹ vẫn chưa đề ra được bất cứ nội dung dự thảo nào cho kế hoạch được cho là bước đột phá về mặt ngoại giao, dự kiến công bố vào đầu năm tới./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục