Italy áp dụng các biện pháp ổn định tài chính

Chính phủ Italy xem xét thông qua gói cắt giảm ngân sách, cùng biện pháp tăng nguồn thu trị giá 24 tỷ euro cho tài khóa 2011-2012.
Ngày 25/5, Chính phủ Italy xem xét thông qua gói cắt giảm ngân sách, cùng các biện pháp tăng nguồn thu trị giá 24 tỷ euro cho tài khóa 2011-2012, trong đó có việc cắt giảm lương của công chức cấp cao.

Chính phủ của Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi cũng sẽ xem xét cấp độ pháp lý đối với những biện pháp khẩn cấp nhằm ổn định tài chính và nâng cao cạnh tranh kinh tế.

Kế hoạch cắt giảm trên là bước tiếp theo của Italy sau các giải pháp kinh tế khắc khổ tại các nước Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, nhằm hạn chế đà suy giảm niềm tin tại các nền kinh tế đang ngập trong nợ nần của khối Eurozone, vốn bị thâm hụt ngân sách trầm trọng từ cuộc suy thoái toàn cầu.

Cố vấn hàng đầu của Thủ tướng Berlusconi, ông Gianni Letta, cho biết gói cắt giảm trên sẽ bao gồm những giải pháp "đầy hy sinh" để bảo vệ nền kinh tế nước này khỏi một cuộc khủng hoảng nợ kiểu Hy Lạp.

Italy cho biết trong tháng này họ cần cắt giảm thêm khoảng 5 tỷ euro trong kế hoạch cắt giảm 20 tỷ euro (25 tỷ USD) chi tiêu công trong tài khóa 2011-2012, nhằm hạ thấp hơn nữa thâm hụt ngân sách công của nước này, từ mức 5,3% GDP hiện tại xuống mức 2,7% GDP vào năm 2012.

Là một thành viên của khối Eurozone, Italy buộc phải giữ thâm hụt ngân sách công ở mức dưới 3% GDP, và tổng nợ dưới 60% GDP, tuy nhiên con số này đã leo lên tới 115,8% trong năm 2009.

Phát biểu trên truyền hình Italy, phát ngôn viên của chính phủ, Paolo Bonaiuti, nói rằng kế hoạch trên sẽ tiết kiệm được khoảng 24 tỷ euro, thông qua việc phối hợp các biện pháp cắt giảm chi tiêu và tăng các nguồn thu mới, song chính phủ cam kết sẽ không tăng thêm bất kỳ khoản thuế nào.

Ông khẳng định: "Chúng tôi sẽ không đụng chạm gì tới ví tiền của người dân Italy," và cho biết khoản tiết kiệm này sẽ được tìm từ nhiều bộ, ngành của Italy, cũng như từ các biện pháp sử dụng hiệu quả hơn các khoản chi tiêu công.

Trong số các biện pháp được đề xuất nhằm tăng nguồn thu mới có thể có cả việc chống trốn thuế, tăng lệ phí sử dụng các đường, cầu, cảng mới và ban hành các lệ phí mới cho việc thăm, khám bệnh... Thủ tướng Berlusconi cuối tuần qua cho hay các giải pháp "thắt lưng buộc bụng" sẽ không áp dụng đối với các dịch vụ công nhạy cảm như chăm sóc sức khỏe, hưu trí và giáo dục./.

Thùy Chi (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục