Italy có thể cấm tàu du lịch lớn sau vụ "Titanic 2"

Sau vụ tai nạn tàu du lịch kinh hoàng, Italy đang kêu gọi cấm các loại tàu du lịch cỡ lớn do lo ngại hệ sinh thái bị phá hủy.
HTML clipboard Vụ tai nạn chiếc tàu du lịch sang trọng 17 tầng giữa một khu bảo tồn thiên nhiên biển ngoài khơi Tuscany, Italy đã dấy lên những lo ngại về mối đe dọa với hệ sinh thái bờ biển, theo lời các nhà bảo vệ môi trường nước này cho biết.

Tàu Costa Concordia đâm vào đá ngầm chỉ cách đảo Giglio không đầy 50 mét làm đổ ra biển hơn 2.000 tấn dầu nhớt và nhiều rác thải khác từ trên cabin tàu cũng tràn xuống biển. Lo ngại về tác động với môi trường, một số nhà hoạt động đã kêu gọi cấm những chiếc tàu lớn ra vào vùng biển nhạy cảm này.

“Đã quá đủ rồi, chúng ta phải ngừng coi những chiếc tàu này chỉ là những chiếc vaporetti.” Bộ trưởng môi trường Ý Corrado Clini nói, ý ông muốn nhắc tới loại thuyền kiểu độc mộc nhỏ xinh chở du khách ở Venice.

Clini cũng kêu gọi ngăn những chiếc tàu quá lớn vào vùng biển nhạy cảm để bảo vệ môi trường, trong một cuộc phỏng vấn đăng trên báo La Stampa hôm thứ Hai.

Ba thượng nghị sĩ Italy và đảng Dân chủ cánh tả cũng yêu cầu chính quyền ra lệnh cấm khẩn cấp tàu lớn và tàu chở dầu đi qua khu vực nhạy cảm này, bao gồm cả vùng phá Venice, các khu bảo tồn biển và những vùng nước xung quanh các đảo nhỏ ngoài khơi Địa Trung Hải.

Các đảo thuộc vùng Tuscany của Italy, Elba, Giglio, Capraia, Montecristo, Pianosa, Giannutri và Gorgona từ năm 1996 đã trở thành một trong những khu bảo tồn thiên nhiên biển lớn nhất châu Âu.

Các cuộc biểu tình phản đối tàu du lịch ra vào vùng nước này đã được chuẩn bị ở Venice thậm chí cả trước khi vụ tai nạn khiến ít nhất sáu người thiệt mạng diễn ra. Các nhà hoạt động muốn cấm tiệt các tàu du lịch sang trọng vào vùng này, dù mỗi năm chúng mang đến cho các đảo Italy khoảng 1,6 triệu du khách.

Nguyên nhân vụ tai nạn ngày thứ Sáu cho tới giờ được kết luận là do lỗi của con người. Truyền thông Italy nói viên thuyền trưởng Francesco Schettino muốn thỏa mãn du khách bằng việc lượn vòng xung quanh và thật gần đảo Giglio để ngắm cảnh và chào những người dân trên đảo. Schettino và thủy thủ trưởng Ciro Ambrosio đã bị cảnh sát Italy bắt giữ ngày thứ Bảy.

“Ông ta làm một việc mà chúng tôi không cho phép và chúng tôi khẳng định không liên quan gì đến những việc làm như thế,” Pier Luigi Foschi, chủ công ty Costa Crociere, hãng tàu du lịch lớn nhất châu Âu, khẳng định.

Chỉ trong năm 2011, khoảng 5,4 triệu người châu Âu chọn hình thức du lịch trên tàu, tăng gấp đôi so với khi lần đầu thống kê này được thực hiện vào năm 2006, theo Hội đồng du thuyền châu Âu./.
 
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục