Italy điều tra vụ cáo buộc hải quan Pháp xâm nhập lãnh thổ

Các công tố viên thành phố Turin, miền Nam Italy, ngày 1/4 đã mở cuộc điều tra xung quanh cáo buộc nhiều nhân viên hải quan Pháp xâm nhập trái phép lãnh thổ Italy.
Italy điều tra vụ cáo buộc hải quan Pháp xâm nhập lãnh thổ ảnh 1Nhân viên hải quan Pháp. (Nguồn: Reuters)

Các công tố viên thành phố Turin, miền Nam Italy, ngày 1/4 đã mở cuộc điều tra xung quanh cáo buộc nhiều nhân viên hải quan Pháp xâm nhập trái phép lãnh thổ Italy.

Vụ việc đang gây căng thẳng ngoại giao giữa hai nước.

Theo hãng tin AGI của Italy, cuộc điều tra sơ bộ nói trên được tiến hành nhằm xác minh cáo buộc các nhân viên hải quan Pháp lạm dụng quyền hạn, hung hãn và xâm nhập trái phép lãnh thổ Italy.

Hoạt động này diễn ra sau khi tổ chức từ thiện giúp đỡ người di cư mang tên Rainbow4Africa cáo buộc các quan chức hải quan Pháp đã xâm phạm văn phòng của tổ chức này tại ngôi làng nhỏ Bardonecchia thuộc dãy Alps ở Italy, để xét nghiệm ma túy đối với một hành khách Nigeria trên chuyến tàu chạy theo hướng thủ đô Paris hôm 30/3 vừa qua và thu được kết quả âm tính.

Một ngày sau đó, Bộ Ngoại giao Italy đã triệu đại sứ Pháp tại Rome và yêu cầu giải thích thông tin này, đồng thời cho rằng hành vi xâm phạm chủ quyền Italy theo cáo buộc trên là "không thể chấp nhận được."

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngân sách Pháp Gerald Darmanin cho biết nhân viên hải quan nước này vẫn luôn tuân thủ các quy định trong một thỏa thuận năm 1990 giữa hai nước, theo đó căn phòng mà tổ chức Rainbow4Africa đang sử dụng tại trạm Bardonecchia là không gian mà các quan chức Pháp được quyền tiếp cận.

Tuy nhiên, nhằm hạ nhiệt căng thẳng, ông Darmanin cho biết hiện tại phía Pháp đã tạm ngừng các hoạt động kiểm tra tương tự.

Ngoài ra, Bộ trưởng Darmanin cũng nhấn mạnh ông sẽ tới Italy trong một vài ngày tới và đích thân lý giải vấn đề này nếu cần thiết.

Hoạt động kiểm tra hành khách Nigeria tình nghi dương tính với ma túy nói trên diễn ra trong bối cảnh Pháp đang tăng cường an ninh tại khu vực biên giới giáp Italy cũng như giám sát các chuyến tàu và dòng người di chuyển từ quốc gia láng giềng vốn được coi là cửa ngõ chính vào lãnh thổ châu Âu đối với hàng trăm nghìn người di cư châu Phi mỗi năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục