Italy đòi Ai Cập phải làm rõ về cái chết của sinh viên Regeni

Chính phủ Italy tiếp tục lên tiếng yêu cầu Ai Cập phải tiếp tục làm rõ hơn nữa về nguyên nhân dẫn đến cái chết của một công dân nước này, sinh viên Giulio Regeni.
Italy đòi Ai Cập phải làm rõ về cái chết của sinh viên Regeni ảnh 1Những vật dụng được cảnh sát Ai Cập cho là của Giulio Regeni. (Nguồn: EPA)

Chính phủ Italy tiếp tục lên tiếng yêu cầu Ai Cập phải tiếp tục làm rõ hơn nữa về nguyên nhân dẫn đến cái chết của một công dân nước này Giulio Regeni.

Thi thể của Regeni được tìm thấy hồi đầu tháng 2/2016 ở Cairo, một tuần sau khi thanh niên 25 tuổi này được thông báo mất tích.

Trong bản tin điện tử của Chính phủ hôm 26/3, Thủ tướng Italy Matteo Renzi khẳng định: "Italy không bao giờ chấp nhận những hình thức sự thật mang tính xoa dịu. Nhà chức trách Ai Cập đã đồng ý hợp tác với Italy để điều tra về cái chết này là một điều tích cực, nhưng chúng tôi chỉ chấp nhận ngừng lại các đòi hỏi một khi biết rõ sự thật."

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi các nhà điều tra Italy đang có mặt ở Cairo nói rằng sự việc còn lâu mới kết thúc, và Italy không thỏa mãn với những kết luận mà nhà chức trách Ai Cập đã đưa ra.

Báo chí Italy thậm chí viết rằng Ai Cập đang cố gắng lái sự việc theo những hướng khác để tránh liên lụy đến chính phủ nước này, điều mà dư luận Italy cho là có trách nhiệm trực tiếp trong cái chết này.

Trước đó, hôm 24/3, Bộ Nội vụ Ai Cập đưa ra thông cáo về việc họ đã thu được hộ chiếu và một vài giấy tờ cá nhân của Regeni sau một vụ bố ráp một nhóm cướp ở Cairo và tiêu diệt cả năm tên.

Bộ Nội vụ Ai Cập nói rằng Regeni đã bị nhóm cướp giả danh cảnh sát này bắt cóc và tra tấn đến chết. Họ tuyên bố, cuộc điều tra đã kết thúc sau cuộc bố ráp này và vụ việc được chuyển trả cho phía Italy.

Tuy nhiên, các điều tra viên Italy đang có mặt ở Ai Cập đã bác bỏ nhiều luận điểm mà phía Ai Cập đưa ra, phủ nhận một số tang chứng mà Ai Cập cho là của Regeni, như một chiếc balô. Theo họ, việc bọn cướp giữ hộ chiếu của Regeni ở nhà chúng trong hơn một tháng sau khi Regeni chết là "thiếu logic."

Ngoài ra, các điều tra viên Italy cũng cho rằng giả thiết của phía Ai Cập rằng Regeni bị bắt và đòi tiền chuộc là "không hợp lý,” vì không có băng cướp nào đòi tiền chuộc lại có thể tra tấn người bị chúng bắt cóc trong hơn một tuần.

Regeni, một nghiên cứu sinh tiến sỹ về công đoàn đang theo học tại Đại học Cambridge và đang có mặt ở Ai Cập để thực hiện công trình của mình, đã mất tích tại Cairo hôm 25/1, đúng ngày Ai Cập đang rất căng thẳng trong dịp kỷ niệm 5 năm ngày Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ.

Thi thể của Regeni được tìm thấy ở ngoại ô Cairo hôm 3/2 với nhiều dấu vết của việc bị tra tấn trong một thời gian dài dẫn đến tử vong.

Báo chí Italy đã đặt ra nhiều nghi vấn về việc Regeni đã "biết quá nhiều" sau những điều tra của anh về các hoạt động công đoàn ở Ai Cập và sau đó đã bị mật vụ nước này thủ tiêu vì nghi rằng Regeni làm việc cho tình báo Italy.

Các giới chức Italy, các tổ chức dân sự và người nhà của Regeni do đó đã tiếp tục lên tiếng yêu cầu Ai Cập không được giấu giếm các thông tin trong vụ này.

Các nguồn tin gần gũi với chính phủ Italy cho hay chính phủ nước này sẽ gia tăng sức ép đòi Ai Cập phải làm rõ về các chi tiết "chưa rõ ràng" mà họ đã công bố trước báo chí.

Quan hệ giữa Italy và Ai Cập đã trở nên căng thẳng trong trong hơn một tháng qua do vụ việc liên quan đến Regeni./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục