Italy kêu gọi châu Âu cùng giải quyết khủng hoảng

Tân Thủ tướng Italy Enrico Letta công du sang Đức, Pháp, Bỉ, kêu gọi châu Âu cùng tìm kiếm các giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
Tân Thủ tướng Italy Enrico Letta đã thực hiện các chuyến công du sang Đức, Pháp, Bỉ và gặp gỡ các quan chức Liên minh châu Âu (EU), đồng thời kêu gọi châu Âu cùng tìm kiếm các giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

Ngày 1/5, Thủ tướng Italy Enrico Letta đã hội đàm với người đồng nhiệm Bỉ Elio Di Rupo, tại Brussels, trước khi gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy.

Trước câu hỏi liệu có hai châu Âu, một bên là các nước chấp nhận chính sách khắc khổ, và bên kia là những quốc gia mong muốn có một chính sách mềm dẻo trong việc cắt giảm thâm hụt ngân sách hay không, ông Letta khẳng định chỉ có một châu Âu.

Ông Letta nhấn mạnh, không thể chia châu Âu thành hai, ba hoặc bốn nhóm khác nhau. Các nước châu Âu cần phải hiểu rằng nếu không cùng nhau hợp tác để đạt kết quả tốt, thì không bao giờ châu Âu có đủ điều kiện để trở thành một nền kinh tế quan trọng trên thế giới.

Theo Thủ tướng Italy, châu Âu trong tương lai sẽ là một châu Âu của sự đồng thuận. Mặc dù không nêu đích danh nước Đức, nhưng ông Letta cho rằng, nếu châu Âu sụp đổ thì không một nước nào có thể phồn thịnh.

Ngày 30/4, Thủ tướng Italy đã công du Đức và hội đàm với Thủ tướng Angela Merkel, người luôn chủ trương ưu tiên giảm thâm hụt ngân sách.

Ngày 1/5, ông Letta đến Paris và đã được Tổng thống François Hollande đón tiếp một cách nồng nhiệt. Cuộc hội đàm giữa hai vị lãnh đạo kéo dài hơn một tiếng rưỡi đồng hồ. Paris và Rome đều cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần phải có tăng trưởng kinh tế, để thoát khỏi khủng hoảng, giảm thất nghiệp, đồng thời vẫn chú trọng đến kỷ cương ngân sách.

Bên cạnh đó, ông Letta kêu gọi nhanh chóng thành lập liên minh ngân hàng và cho rằng đây phải là ưu tiên của châu Âu.

Trong bối cảnh kinh tế vẫn trì trệ và thất nghiệp tiếp tục phá kỷ lục (hơn 19 triệu người chỉ riêng trong Eurozone), các nước châu Âu đang dồn mọi nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ngày 2/5, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tiến thêm một bước trong chính sách nới lỏng tiền tệ khi thông báo giảm lãi suất cơ bản từ 0,75% xuống còn 0,5%. Đây là mức thấp nhất trong lịch sử của châu Âu.

Ngoài việc hạ lãi suất cơ bản, trong khuôn khổ ngân sách cho thời kỳ 2014-2020, EU đã đề ra "Sáng kiến cho giới trẻ," với ngân sách 6 tỷ USD dành cho những vùng mà tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên cao hơn 25%. Tổng cộng có 13 quốc gia thành viên ở trong diện này.

Tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ đặc biệt cao nhất ở những nước bị khủng hoảng nặng nhất: Hơn 59% ở Hy Lạp, hơn 56% ở Tây Ban Nha, 38,4% ở Italy và 38,3% ở Bồ Đào Nha.

Tuy vậy, ngày 2/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso nhìn nhận là sáng kiến nói trên chưa đủ để giải quyết vấn đề thất nghiệp trong khối này và theo ông, hiệp ước về tăng trưởng, huy động tổng cộng 120 tỷ euro, được các lãnh đạo EU quyết định vào năm ngoái, vẫn chưa được cụ thể hóa ở mức độ mong muốn.

Về phần Tổng thống Pháp Hollande đề nghị thực hiện sớm hơn dự kiến ban ban đầu, ngay từ cuối năm nay sẽ triển khai chương trình châu Âu chống nạn thất nghiệp trong giới trẻ./.

PV (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục