Italy: Lãnh đạo tập đoàn nhà nước chấm dứt "lương khủng"

Ngày 28/3, Chính phủ Italy đưa ra quy định mới về áp dụng mức lương trần cho lãnh đạo tập đoàn nhà nước ở mức cao nhất 311.000 euro/năm.

Ngày 28/3, Chính phủ Italy đã đưa ra quy định mới về việc áp dụng mức lương trần cho lãnh đạo các tập đoàn nhà nước ở mức cao nhất 311.000 euro/năm.

Quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/4 tới.

Theo báo chí Italy, việc áp dụng mức lương trần này nhằm "lập lại trật tự" trong lĩnh vực lương bổng của các tập đoàn kinh tế do nhà nước quản lý, với mục đích cắt giảm ngân sách và áp mức thu nhập sao cho phù hợp hơn với tính hiệu quả và đóng góp vào ngân sách nhà nước của các tập đoàn này.

Với quy định mới do Bộ Kinh tế Italy đưa ra, chế độ "lương khủng" được cho là đã quá chiều chuộng và tạo ra nhiều đặc quyền đặc lợi cho không ít những người đứng đầu các tập đoàn nhà nước, mà phần lớn trong số đó thua lỗ kéo dài, đã chấm dứt sau nhiều năm tồn tại, gây thâm hụt ngân sách trong thời điểm nền kinh tế Italy đang khủng hoảng, trong khi nợ công của nước này đã vượt mức 130% GDP.

Theo quy định mới này, lương cao nhất của lãnh đạo cao cấp các công ty trong khu vực công là 311.000 euro/năm, bằng mức lương của người đứng đầu Tòa án tối cao Italy, chính là mức mà Bộ Kinh tế Italy đã căn cứ để lập ra mức lương trần.

Tuy nhiên, quy định này tạm thời chưa áp dụng cho các chủ tịch và giám đốc điều hành của các tập đoàn lớn làm "xương sống" của nền kinh tế đất nước, với thu nhập hàng chục tỷ euro, hiện đang hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng và vũ trụ như Finmeccanica, tập đoàn điện lực ENEL và tập đoàn năng lượng khổng lồ ENI. Mức lương trần cũng không có hiệu lực cho các tập đoàn CDP (Ngân hàng lớn, với 80% cổ phần thuộc về Bộ Kinh tế Italy), Bưu điện Italy và Đường sắt Italy.

Đề xuất áp dụng mức lương trần được Thủ tướng Matteo Renzi đưa ra hai tuần trước khi quy định được chính thức thông qua. Đề xuất này đã gây ra những phản ứng mạnh mẽ từ phía một số lãnh đạo các tập đoàn lớn của nhà nước có mức lương cao.

Mauro Moretti, người đứng đầu tập đoàn Đường sắt quốc gia Italy, với thu nhập hơn 870.000 euro năm 2013, cho rằng, việc cắt giảm thu nhập nói trên có thể sẽ khiến nhiều người điều hành giỏi chuyển sang đầu quân cho khu vực tư nhân.

Mặc dù vậy ngày 26/3 vừa qua, Thủ tướng Renzi khẳng định, chính phủ "sẽ đi đến cùng, dù họ đó có thích hay không" trong việc cắt giảm lương lãnh đạo khu vực nhà nước nhằm thắt chặt chi tiêu cho ngân sách. Ông nói: "Đây là cách để làm lành với người dân Italy."

Theo nhật báo kinh tế Mặt Trời 24 giờ, kế hoạch nói "không" với lương khủng mà Chính phủ Italy đưa ra có thể làm không ít người lao động nước này cảm thấy hài lòng, khi thu nhập hiện tại của họ không đủ sống, trong khi cái hố ngăn cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng rộng thêm ra.

Báo cáo mới nhất của Bộ Kinh tế Italy cho biết, trong năm 2012, 5% người Italy nắm 23% GDP của nước này.

Trong một nỗ lực khác nhằm tích cực cắt giảm ngân sách, Chính phủ Italy đã vượt qua một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở Thượng viện trong một dự luật giảm quyền lực của các tỉnh ở nước này.

Dự luật nhằm giảm số lượng tỉnh ở Italy xuống bằng con đường sáp nhập, với mục đích tinh giản biên chế trong chính quyền tỉnh cũng như chi phí điều hành. Dự luật hiện đã được chuyển lên Hạ viện xem xét và thông qua để trở thành luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục