Italy lo ngại Trung Quốc thâu tóm cảng Palermo trên đảo Sicily

Sự thèm khát của Trung Quốc đối với đảo Sicily trở nên mãnh liệt hơn vào năm 2019 nhân dịp Italy ký bản ghi nhớ BRI với Trung Quốc.
Italy lo ngại Trung Quốc thâu tóm cảng Palermo trên đảo Sicily ảnh 1Cảng biển Palermo. (Nguồn: dreamstime.com)

Bài viết của tác giả Gabriele Carrer vừa đăng trên trang Formiche.net (Italy) dẫn các ý kiến bình luận của chính giới Italy về thông tin Tập đoàn Vận tải biển (COSCO) và China Merchants của Trung Quốc có kế hoạch thâu tóm cảng biển Palermo, ở phía Tây đảo Sicily của nước này.

Trả lời phỏng vấn của Formiche liên quan vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng thời là nghị sỹ đảng Liên đoàn Giorgio Mulè, khẳng định: "Không thể để cảng Palermo rơi vào tầm ngắm về thương mại hoặc bành trướng của Trung Quốc" và "điều cần thiết là cảng này phải do các doanh nghiệp Italy quản lý."

Như Thứ trưởng Mulè đã nhấn mạnh cảng biển này rất quan trọng không chỉ đối với Italy và với giao thương đến Bắc Phi, mà còn bởi những lý do về quân sự.

Theo Nhật báo phương Nam (Italy), tập đoàn COSCO, doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc hiện nắm cổ phần tại 15 cảng châu Âu và tập đoàn China Merchants Port Holdings, trực thuộc Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc vốn là bộ đôi quen thuộc trong các dự án hạ tầng cảng biển châu Âu, đã trình bày với chính quyền Sicily một kế hoạch đầu tư trị giá 5 tỷ euro để xây dựng và quản lý một trung tâm vận chuyển container tại cảng Palermo.

Dự kiến kế hoạch này có khả năng tạo thêm khoảng 500 việc làm mới, trong khi những tác động liên quan khác lại khó ước tính.

Nguồn đầu tư của Trung Quốc

Theo Nhật báo phương Nam, cảng Palermo thuộc quản lý của Cơ quan điều hành hệ thống cảng biển Tây Sicily, thường xuyên tiếp đón các tàu thương mại, tàu du lịch cùng với sự hiện diện của một nhà máy đóng tàu thuộc hãng Fincantieri.

Đề cập đến nguồn đầu tư của Trung Quốc vào miền Nam Italy, ông Alberto Vettoretti, đối tác quản lý công ty tư vấn Dezah Shira & Associates China và chuyên gia tư vấn cho chính quyền thành phố Quảng Châu từ năm 2011 đến năm 2017, cho biết "Trung Quốc đã dành nhiều nguồn đầu tư vào Italy trong các lĩnh vực chiến lược, trong khi các công ty Trung Quốc, chẳng hạn như Huawei, không bị phía Italy nhìn nhận một cách thiếu tin tưởng.

Đối với chính phủ Italy, nhu cầu bức thiết hiện nay là phải tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng để thúc đẩy phát triển khu vực miền Nam.

Cũng theo ông A.Vettoretti, Italy hiện "không thể tiếp tục nâng trần thâm hụt ngân sách bởi những quy định ràng buộc chung trong EU” và do đó nước này “đương nhiên xem trọng nguồn đầu tư từ Trung Quốc cho hạ tầng để vực dậy các hoạt động kinh tế."

Theo Thứ trưởng Mulè, có nhiều vấn đề về an ninh quốc gia cần được xem xét trong bối cảnh Ủy ban An ninh quốc gia thuộc Quốc hội Italy (COPASIR) đang hết sức chú ý đến các cảng biển, nơi diễn ra nhiều hoạt động kinh tế bị giới tình báo Italy và chính phủ đương nhiệm đang thận trọng giám sát.

Như nhận định của Giáo sư Maurizio Mensi trên Formiche gần đây, "Trung Quốc đã biến lĩnh vực hàng hải trong Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) thành mảnh ghép quan trọng của chiến lược bành trướng với đích ngắm là hạ tầng giao thông, năng lượng và thông tin liên lạc, đặc biệt là ở các nước đang phát triển và các nước Trung, Đông Âu.”

Theo ông Mulè, “với nhiều năm tham gia trong Ủy ban Vận tải của Hạ viện, tôi đã nhìn thấy rõ nhiều mối thảm họa cũng như những triển vọng mất đi bởi tham vọng của Trung Quốc đối với Italy.”

Vị Thứ trưởng này kết luận: “Chúng ta phải đảm bảo tính chất chiến lược của cảng Palermo, đồng thời xác định việc duy trì quyền quản lý của Italy đối với cảng biển này là một vấn đề thiết yếu.”

Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2019

Sự thèm khát của Trung Quốc đối với đảo Sicily trở nên mãnh liệt hơn vào năm 2019 nhân dịp Italy ký bản ghi nhớ BRI với Trung Quốc.

Đúng thời điểm lịch sử khi Italy, nước G7 đầu tiên tham gia dự án chiến lược của Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Palermo.

Chuyến thăm diễn ra chủ yếu do sự sắp đặt của Michele Geraci, cựu Thứ trưởng Phát triển Kinh tế.

Ông Michele Geraci xuất thân từ Palermo và hiện đã trở lại giảng dạy ở Trung Quốc sau thời gian tham gia chính phủ Conte I.

Chuyến thăm đó của ông Tập nhằm hai mục tiêu: thiết lập mối quan hệ với quê hương của Tổng thống Sergio Mattarella và mở đường cho các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Sicily.

Ngoài vấn đề đầu tư cảng biển, phát triển hệ thống viễn thông 5G và xây dựng các điểm kết nối cáp ngầm, Sicily vốn đã trở thành một khu vực cạnh tranh và đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ.

Trong trao đổi với Chủ tịch Hội đồng vùng Sicily Gianfranco Miccichè, ông Tập khẳng định Cung điện Hoàng gia Palermo, hiện là trụ sở Hội đồng vùng Sicily, "sẽ là một địa điểm hoàn hảo trên Con đường Tơ lụa."

Nếu kế hoạch trên được thông qua, Palermo sẽ nối gót Piraeus, một cảng biển của Hy Lạp đã nằm dưới quyền quản lý của COSCO trong 5 năm qua.

Theo Nhật báo phương Nam, cơ quan quản lý cảng Piraeus cũng đã ký biên bản ghi nhớ với cơ quan quản lý các cảng Venice và Chioggia của Italy.

Tuy nhiên, những thỏa thuận tương tự giữa chính quyền các cảng Genoa, cảng Trieste với Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc vẫn còn bị bỏ ngỏ suốt 2 năm qua, trong khi doanh nghiệp này của Trung Quốc đã bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào "danh sách đen" từ năm ngoái.

Nỗi lo của người Mỹ

Vào tháng 7/2020, sau chuyến thăm tới các cảng Genoa, Venice và Trieste, Đại sứ Mỹ tại Italy lúc bấy giờ là Lewis Eisenberg đã bày tỏ “lo lắng” về số phận của các cảng biển tại Italy: sự "lo lắng" rằng Trung Quốc đang tìm cách xâm nhập vào các hệ thống hạ tầng chiến lược tại Italy giống như ở nhiều nước khác.

Theo vị Đại sứ này, Mỹ đang chú ý tối đa cho vấn đề này. Sự giám sát của Mỹ đối với vấn đề cảng biển Italy không hề suy giảm ngay cả khi Đại sứ L. Eisenberg đã rời đi và giao quyền phụ trách Đại sứ quán cho Thomas Smitham.

Vào tháng 5/2021, Tổng lãnh sự Mỹ tại Milan Robert Needham đã nhấn mạnh cơ hội đầu tư cho các công ty Mỹ tại Italy, đồng thời cảnh báo "rủi ro tiềm tàng" từ dự án BRI.

Ông này còn khẳng định: “Với tư cách là đồng minh trong NATO, có hiện diện quân sự tại nhiều căn cứ của Italy và cùng chia sẻ với Italy các hệ thống vũ khí và an ninh, chúng tôi hy vọng Italy sẽ thận trọng đánh giá những rủi ro tiềm ẩn về kinh tế, an ninh khi tìm kiếm đối tác phát triển các cảng biển."

Vai trò của EURISPES

Theo Nhật báo phương Nam, kế hoạch của Trung Quốc đối với cảng Palermo được đưa ra sau một cuộc họp ở Palermo giữa đại diện các nhà đầu tư Trung Quốc từ Thượng Hải với ban lãnh đạo cấp cao của Viện nghiên cứu chính trị, kinh tế, xã hội Italy (EURISPES).

EURISPES là một tổ chức nghiên cứu tư nhân, vào hồi tháng Sáu đã công bố một báo cáo ẩn danh với chủ đề "Tân Cương. Tìm hiểu sự phức tạp, xây dựng hòa bình.”

Trong đó, tổ chức này lên tiếng bảo vệ Trung Quốc trước sự "thiên vị" của các chính phủ và truyền thông phương Tây.

Trong số cá nhân ký tên trong báo cáo này có Beppe Grillo - nhà sáng lập Phong trào Năm sao, Vito Petrocelli - thành viên Năm sao, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Trong số các tác giả có Fabio Massimo Parenti, Giáo sư Đại học Ngoại giao Bắc Kinh.

Phản hồi từ Cơ quan quản lý cảng biển Tây Sicily

Trước các luồng thông tin và bình luận liên quan kế hoạch nêu trên, Cơ quan quản lý cảng biển Tây Sicily khẳng định: “Chúng tôi chỉ biết qua thông tin báo chí về một dự án được giới thiệu sau các cuộc họp giữa các công ty Trung Quốc Cosco Shipping Ports và China Merchants Port Holdings với ban lãnh đạo cấp cao của EURISPES liên quan cảng Palermo. Đến nay, Cơ quan quản lý cảng biển Tây Sicilia, đơn vị có quyền tài phán đối với cảng Palermo vẫn chưa nhận được thông báo chính thức nào về kế hoạch này”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục