Italy ngừng "quay lưng" với năng lượng hạt nhân

Sau hơn 22 năm "quay lưng" với năng lượng hạt nhân, Italy đã quyết định khôi phục chương trình sản xuất điện nguyên tử ở nước này.
Sau hơn 22 năm "quay lưng" với năng lượng hạt nhân, Thượng viện Italy vừa thông qua lần cuối luật mang tên "Những cải cách lớn để phục hồi kinh tế đất nước", cho phép khôi phục chương trình sản xuất điện nguyên tử ở nước này.

Giới phân tích cho rằng đây là bước đi phù hợp với thực tế của chính quyền Thủ tướng Silvio Berlusconi trước sức ép về nhu cầu năng lượng, trong bối cảnh giá điện sinh hoạt tại Italy thuộc loại cao nhất châu Âu.

Với quyết định mới trên, Roma hy vọng có thể giảm 30% giá thành năng lượng trong thời gian tới. Hiện giá thành điện ở Italy cao gấp 1,6 lần so với mức giá trung bình của châu Âu.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng việc sử dụng điện hạt nhân có thể giúp Italy tăng cường an ninh năng lượng, khi mà 85% nhu cầu năng lượng của nước này phụ thuộc vào các nguồn cung từ bên ngoài.

Ưu điểm khác của việc sử dụng năng lượng hạt nhân là giảm lượng khí thải CO2 do các nguồn năng lượng truyền thống.

Chính phủ Italy có thời hạn 6 tháng để quyết định địa điểm đặt các nhà máy điện hạt nhân, cũng như vấn đề xử lý chất thải phóng xạ.

Trên thực tế, Chính phủ Italy đã ký nhiều hiệp ước hợp tác trong lĩnh vực này, trong đó có một hiệp ước với Pháp từ tháng 2/2009 về xây dựng từ 8-10 nhà máy điện nguyên tử với tổng vốn đầu tư lên đến 40 tỷ euro. Bốn nhà máy dự kiến sẽ xây xong từ nay đến năm 2020.

Tháng 11/1987, vài tháng sau thảm họa hạt nhân tại Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl (Ukraine), Italy đã tổ chức trưng cầu dân ý. Trong lần trưng cầu này, người dân đất nước hình chiếc ủng đã nhất trí phá hủy tất cả các điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân, dừng xây mới mọi công trình hạt nhân, mặc dù Italy là một trong những nước tiên phong trong lĩnh vực này./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục