Italy nhất trí cắt lương hưu của các cựu nghị sỹ bị kết án tù

Hai viện Quốc hội Italy đều nhất trí thông qua một nghị quyết nhằm cắt lương hưu của các cựu nghị sỹ từng bị vướng vào vòng lao lý.
Italy nhất trí cắt lương hưu của các cựu nghị sỹ bị kết án tù ảnh 1Quốc hội Italy. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trong một động thái được báo chí Italy đánh giá là "mang tính cách mạng đối với những người trong chính giới" có đặc quyền đặc lợi, hôm 7/5, hai viện Quốc hội Italy đều nhất trí thông qua một nghị quyết nhằm cắt lương hưu của các cựu nghị sỹ từng bị vướng vào vòng lao lý, với mức án tù ít nhất hai năm.

Điều này đồng nghĩa với việc hàng loạt cựu nghị sỹ Italy sẽ bị cắt khoản lương hưu mà theo tiêu chuẩn đãi ngộ các chính trị gia, họ sẽ được hưởng đến khi chết.

Hãng truyền hình RAI cho biết việc cắt lương này được dành cho các nghị sỹ bị kết án tù vì các tội cấu kết với mafia, khủng bố và các tội danh khác gây thiệt hại cho hệ thống hành chính công của Italy.

Danh sách những người sẽ mất tiêu chuẩn này rất dài, với những cái tên đáng chú ý như cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, người đã bị kết án bốn năm tù vì tội gian lận tài chính trong các hoạt động ở Tập đoàn Mediaset của ông (sau đó được giảm xuống còn một năm lao động công ích); Marcello dell'Utri, từng là một người thân tín của Berlusconi, bị kết án bảy năm tù do cấu kết với mafia, hay Toto Cuffaro, cũng bị kết án bảy năm tù vì những mối quan hệ mờ ám với mafia, khi còn làm chủ tịch Vùng Sicily.

Sau khi nghị quyết này được thông qua, Chủ tịch Hạ viện Italy Laura Boldrini tuyên bố rằng "sẽ là một điều vô cùng bất công khi nhà nước vẫn phải trả tiền thuế của công dân đóng góp cho những chính trị gia đã phạm tội."

Chủ tịch Thượng viện Italy, Pietro Grasso, từng là một công tố viên chống mafia nổi tiếng, viết trên trang Twitter cá nhân của mình rằng "đây là một tín hiệu mạnh mẽ, quan trọng và chắc chắn từ nhà nước Italy đối với các công dân."

Trước đó, hôm 6/5, trong một thông cáo chung, hai viện Quốc hội Italy khẳng định rằng việc cắt lương hưu của các cựu nghị sỹ dính vào vòng lao lý là cần thiết và có ích cho đất nước, thể hiện cho các công dân thấy trách nhiệm của nhà nước đối với họ như thế nào.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều đồng thuận với nghị quyết này. Trong khi bốn thành viên của đảng Forza Italia của ông Berlusconi bỏ ra ngoài trước khi phiên bỏ phiếu diễn ra, Phong trào 5 Sao (M5S), chính đảng lớn thứ hai ở Italy đã bỏ phiếu chống.

Một người phát ngôn của M5S cho rằng nghị quyết cần phải trở nên nghiêm khắc hơn và cần được áp dụng không chỉ cho các nghị sỹ đã nghỉ hưu, mà còn cả các nghị sỹ đương nhiệm bị phát hiện có hành vi phạm pháp.

M5S cũng cho rằng các nghị sỹ không ngồi tù vì tuổi quá cao và sau đó được chuyển mức án thành lao động công ích cũng không nên được nhận lại phần lương bị cắt.

Trong khi đó, đảng Forza Italia đòi hỏi việc thông qua một nghị quyết của Quốc hội là không có giá trị mà phải thông qua luật.

Forza Italia cũng đòi hỏi Tòa án Hiến pháp xem xét nghị quyết này có dấu hiệu vi hiến hay không.

Việc các nghị sỹ nghỉ hưu được nhận lương hưu đến hết đời được quy định trong điều 54 của Hiến pháp Italy.

Luật pháp Italy quy định, những nghị sỹ nào có ít nhất năm năm nhiệm kỳ trong hai viện Quốc hội và trên 65 tuổi sẽ được nhận mức lương này.

Tính tổng cộng có 2.450 cựu nghị sỹ (1.543 cựu Hạ nghị sỹ, 907 cựu Thượng nghị sỹ) Italy được hưởng đặc quyền đặc lợi này.

Theo thống kê, năm ngoái, Italy đã chi tổng cộng 230 triệu euro để trả lương hưu cho những người này, tương đương với khoảng 20 triệu euro mỗi tháng, một khoản tiền mà dư luận Italy cho là khổng lồ và quá tốn kém, không cần thiết.

Nhật báo Il Fatto Quotidiano thậm chí còn trích một danh sách rất dài những nhà công nghiệp, triệu phú hoặc tỷ phú Italy đã từng có thời gian ngồi Quốc hội vẫn lĩnh mức lương hưu mỗi tháng vài nghìn euro từ ngân sách nhà nước, đồng thời kêu gọi họ, vì "lương tâm," hãy từ bỏ khoản tiền đó.

Theo nhật báo La Repubblica, Quốc hội Italy đã chịu một áp lực rất lớn từ dư luận trong thời gian qua, sau khi nhiều cựu nghị sỹ nước này vẫn nhận được mức lương hưu rất hậu hĩnh, mặc dù đã bị kết án hoặc đã thụ án vì có dính líu với mafia như Dell'Utri và Cuffaro./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục