Italy thông qua điều khoản tước quyền lập pháp của Thượng viện

Ngày 1/8, Thượng viện Italy đã thông qua các điều khoản hóc búa và gây tranh cãi trong dự luật sửa đổi Hiến pháp thời gian qua.
Italy thông qua điều khoản tước quyền lập pháp của Thượng viện ảnh 1Toàn cảnh một phiên họp của Ủy ban Thượng viện Italy. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 1/8, Thượng viện Italy đã thông qua các điều khoản hóc búa và gây tranh cãi trong dự luật sửa đổi Hiến pháp thời gian qua nhằm mục đích chuyển đổi Thượng viện Italy thành một Hội đồng đại diện chính quyền vùng và Hội đồng này chỉ có rất ít quyền lập pháp.

Điều khoản trên được thông qua ngay sau khi phe Trung tả dẫn đầu bởi Thủ tướng Matteo Renzi tại quốc hội Italy đưa ra những đề xuất để thỏa thuận việc sửa đổi Hiến pháp với phe đối lập,

Như vậy, việc Thượng viện Italy thông qua khoản 2 dự luật cải cách Hiến pháp là một thành công của phe Trung tả. Điều khoản này cho phép Thượng viện Italy giảm bớt số thành viên từ 315 xuống còn 100 thành viên; trong đó, 95 thành viên được chọn từ Hội đồng địa phương và 5 thành viên được chỉ định bởi Tổng thống nền cộng hòa. Điều khoản này được thông qua với 194 phiếu thuận, 26 phiếu chống và 8 phiếu trắng.

Trước khi thông qua được điều khoản thứ 2 này, ngày 31/07, Thượng viện Italy cũng đã thông qua được điều khoản thứ nhất của Dự luật sửa đổi Hiếp pháp, cho phép tước bỏ quyền lực lập pháp của Thượng viện, tập trung quyền lực tối cao này về Hạ viện Italy.

Trước đó, Dự luật sửa đổi Hiến pháp hiện đang được Quốc hội Italy bàn thảo và thông qua gặp phải sự phản đối quyết liệt từ phe đối lập và một số thành viên thuộc các đảng đang nắm quyền.

Đảng phong trào 5 Sao với tư tưởng chống các đảng phái chính thống, cùng với đảng Tự do, môi trường cánh tả SEL và đảng Liên đoàn phương Bắc đã tìm cách ngăn cản việc thông qua Dự luật.

Họ đã đệ trình lên Chủ tịch Thượng viện 7.800 yêu cầu sửa đổi đối với Dự luật sửa đổi Hiến pháp. Trong đó có tới 6.000 yêu cầu từ đảng SEL và 4.500 yêu cầu sửa đổi đối với hai điều khoản đầu tiên trong dự luật.

Căng thẳng gia tăng giữa các đảng phái về dự luật cải cách thể chế ở Italy trong những tuần gần đây.

Tại Thượng viện Italy chiều tối 31/7 đã xảy ra cảnh tranh cãi lộn xộn, đỉnh điểm là một nữ thượng nghị sỹ đã phải đưa vào bệnh viện sau xảy ra xô xát với nhân viên quốc hội, trong khi bà cố gắng phản đối việc thông qua điều khoản thứ nhất của Dự luật.

Để thỏa mãn những kiến nghị sửa đổi Dự luật cải cách Hiến pháp mà phe đối lập đưa ra, Chủ tịch Thượng viện Pietro Grasso đã phải áp dụng luật “Kangaroo,” theo đó kết quả bỏ phiếu thông qua đối với mỗi sửa đổi sẽ được tính cho tất cả các sửa đổi tương tự.

Với việc áp dụng luật “Kangaroo,” Thượng viện Italy đã thông qua được hơn 1.800 sửa đổi vào ngày 29 và 30/7 trong bối cảnh phản đối dữ dội từ các nhà lập pháp đối lập.

Thậm chí ngày 1/8, các thượng nghị sỹ của SEL, M5S và Liên đoàn phương Bắc đã phản đối việc thông qua các điều khoản của Dự luật sửa đổi Hiến pháp bằng cách từ chối họp, họ đã đi ra khỏi phòng họp Thượng viện.

Vito Petrocelli, người đứng đầu nhóm nghị sỹ của M5S, tuyên bố họ sẽ không tham gia vào bất cứ việc thảo luận nào tại Thượng viện và cũng không bỏ phiếu cho bất kỳ sửa đổi nào.

Loredana De Petris của đảng SEL bày tỏ quan điểm tương tự vì cho rằng các điều kiện bảo đảm tranh luận dân chủ tại Thượng viện Italy không bảo đảm.

Thủ tướng Renzi cũng tuyên bố đang xem xét sửa đổi một số khía cạnh của Dự luật, chẳng hạn như quyền miễn trừ đối với các thượng nghị sỹ quốc hội, các quy tắc cho trưng cầu dân ý, những người được chọn để bầu tổng thống nền cộng hòa.

Hiện nay ở Italy, Tổng thống được bầu với nhiệm kỳ 7 năm tại phiên họp chung của cả hai viện quốc hội, cộng với 58 đại cử tri đặc biệt của 28 khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục