Jakarta Post: Tin tức giả - Vấn đề cần xử lý thận trọng

Chính phủ các nước châu Á lo ngại về thông tin không đúng, sai lệch đang xuất hiện nhiều trên mạng; dù được đưa lên vì lợi ích gì, những tin giả có thể tác động đến thế giới, vi phạm quyền con người.
(Nguồn: Getty Images)
(Nguồn: Getty Images)

Báo Jakarta Post số ra mới đây có đăng bài viết với tựa đề: “Tin tức giả cần xử lý thận trọng."

Nội dung bài viết như sau:

Chính phủ ở các nước châu Á lo ngại về tình trạng thông tin không đúng hoặc sai lệch đang xuất hiện nhiều trên các trang mạng. Dù nó được đưa lên vì lợi ích tài chính hay lý do chính trị, những tin giả mạo có thể tác động đến thế giới thực và vi phạm quyền con người.

Tất cả mọi người đều mong muốn xóa bỏ các tin tức giả và những bình luận có nội dung thù hận trái pháp luật. Chính phủ ở một số nước đã ban hành các quy định mới để tăng cường kiểm soát tin tức giả, nhưng quy định mới ra đời cũng có thể nảy sinh ra những vấn đề mới. Sự phức tạp của tin tức giả, nếu chỉ có luật pháp sẽ không bao giờ xóa bỏ hết được.

Luật về quản lý mạng xã hội của Đức (NetzDG), có hiệu lực vào ngày 1/10/2017 và đã được áp dụng kể từ ngày 1/1/2018, được coi là một ví dụ điển hình về cách chống lại lời nói sai lệnh và tin giả mạo. Tuy nhiên, đạo luật này này cũng có những hạn chế nhất định.

NetzDG đã không thể cân bằng giữa lợi ích của chính phủ trong việc giải quyết những vấn đề về tin tức giả và tầm quan trọng của tự do ngôn luận. Đây là vấn đề mà các quốc gia ở châu Á nên suy nghĩ kỹ trước khi sử dụng NetzDG làm mô hình.

Đạo luật quy định các mạng xã hội phải duy trì một quy trình hiệu quả và minh bạch để xử lý các khiếu nại về nội dung được cho là "bất hợp pháp" trong vòng 24 giờ sau khi có khiếu nại.

Khi nội dung rõ ràng không hợp pháp, họ phải xóa nội dung đó trong vòng 7 ngày. Những người vi phạm có thể bị phạt 50 triệu euro. Điều quan trọng cần lưu ý là luật pháp không đưa ra các định nghĩa mới về ngôn từ kích động thù địch hoặc tin giả mạo.

Điều này gây khó khăn cho các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội bởi "tin giả" là một khái niệm khó hình dung nhưng chưa có định nghĩa chính xác.

Bên cạnh NetzDG, luật hình sự của Đức cũng quy định các loại tội phạm liên quan đến việc phát tán các tin tức giả mạo và kích động thù địch, do vậy Chính phủ Đức hy vọng trong tương lai sẽ loại bỏ được tình trạng tin tức giả mạo phát tán trên các mạng xã hội.

Quy định trong vòng 24 giờ phải xóa những nội dung "rõ ràng là bất hợp pháp" là quá ngắn do nhiều loại nội dung bất hợp pháp rất khó xác định và phải tùy thuộc vào bối cảnh đưa ra. Ví dụ, một người nào đó đăng lời bình trên trang cá nhân của mình trong đó có trích dẫn những nội dung vi phạm luật để chỉ trích, vẫn được coi là hợp pháp.

Với số lượng lớn nội dung trực tuyến, rất khó để đưa ra các quyết định này một cách nhanh chóng. Ở Đức, mỗi tháng có hơn 40.000 khiếu nại liên quan việc đưa các thông tin giả mạo, vi phạm quyền con người trên YouTube.

[Tin giả - đợt sóng thần đe dọa thế giới hiện đại]

Các công ty có nền tảng hạ tầng lớn có thể chọn xóa nội dung theo tiêu chuẩn của riêng mình để có thể báo cáo càng ít trường hợp lên NetzDG càng tốt.

Do nguy cơ sẽ bị phạt tiền với số lượng lớn, các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội được khuyến khích gỡ bỏ tất cả nội dung “nhạy cảm” để tiết kiệm chi phí cũng như giảm nguy cơ vi phạm pháp luật. Điều này đã dẫn đến những chỉ trích rằng luật pháp khiến các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội như Twitter, Facebook và Google phải thận trọng quá mức thành vi phạm quyền tự do ngôn luận.

Bên cạnh đó, để tuân thủ NetzDG, các công ty đã phải thuê các nhóm điều hành được giao nhiệm vụ theo dõi các khiếu nại và trả lời các yêu cầu gỡ các nội dung thông tin sai lệch xuống.

Với các công ty lớn, họ có thể bỏ ra một khoản kinh phí để thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, đối với các công ty nhỏ thì không thể. Vì vậy, luật pháp vô hình chung đã kìm hãm sự phát triển của các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ.

NetzDG cũng đã tính đến vấn đề trên bằng cách áp dụng một số quy định chỉ đối với các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội lớn. Tuy nhiên, điều đó đã khiến một số phần tử cực đoan chuyển nội dung sang các trang mạng nhỏ hơn, vì vậy tin tức giả mạo vẫn còn tồn tại trên các mạng xã hội. Do vậy, không có giải pháp hoàn chỉnh để giải quyết vấn đề trên.

Trong trường hợp gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng (như tin tức giả mạo có khả năng huy động một đám đông thực hiện những hành động như giết người chẳng hạn), cách áp dụng giống như NetzDG có thể phù hợp.

Tuy nhiên, một đạo luật chỉ đem lại hiệu quả nếu nó được điều chỉnh ở phạm vi hẹp và rõ ràng. Có thể nói kẻ thù lớn nhất của tự do ngôn luận là sự mơ hồ của pháp luật.

Để giúp những người vô tình trở thành nạn nhân của thông tin sai lệch, hiện nay đã có rất nhiều nghiên cứu để xây dựng các kiến thức về thông tin hay giảng dạy về các kỹ thuật công nghệ, từ đó giúp mọi người không mắc bẫy của những kẻ dùng mạng xã hội để huy động một cuộc xung đột.

Bên cạnh đó, xây dựng một hệ thống kiểm tra thực tế và ghi nhận nội dung nghi ngờ trên các trang mạng xã hội có thể là một phần của giải pháp.

Do vậy, các chính phủ nên ban hành một quy định được áp dụng trong thời gian ngắn để đánh giá tác động của quy định đó tới tự do ngôn luận, truyền thông và tăng trưởng kinh tế và từ đó so sánh với các giải pháp khác.

Mặt khác, chính phủ cũng cần nghiên cứu, tập hợp và ứng dụng các giải pháp sáng tạo của các học viện, xã hội dân sự và các ngành công nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục