JICA: Việc chậm thanh toán các dự án vốn vay ODA ngày càng trầm trọng

Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam Tetsuo Konaka cho biết việc chậm thanh toán các dự án vốn vay ODA, trong đó có các dự án của JICA, đang ngày càng trở nên trầm trọng.
JICA: Việc chậm thanh toán các dự án vốn vay ODA ngày càng trầm trọng ảnh 1Công nhân thi công trên công trường tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên). (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Tại cuộc Họp báo thường niên JICA 2018, Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam Tetsuo Konaka cho biết việc chậm thanh toán các dự án vốn vay ODA trong đó có các dự án của JICA đang ngày càng trở nên trầm trọng.

Nguyên nhân của vấn đề là chính sách tăng cường kiểm soát nợ công ở mức cao hơn của Chính phủ. Tại Nghị quyết năm 2012, Quốc hội Việt Nam đã đưa ra quyết định về mức trần giới hạn tỷ lệ nợ công là 65% GDP. Đây là một nhiệm vụ được đưa ra trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 11/2016.

Trước đó, từ năm 2015, Chính phủ đã đặt mức giới hạn vay tối đa trong một năm đối với các dự án vốn vay ODA căn cứ theo Luật ngân sách Nhà nước.

Một trong số các trường hợp chậm thanh toán vốn vay ODA là Dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh tuyến 1 được phía JICA hỗ trợ. Hiện tại, Quốc hội chưa phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư cho dự án này.

Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã ứng trước tiền ngân sách lần thứ 3 để giải quyết tạm thời việc chậm giải ngân. Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chấp thuận ứng trước 5 tỷ yen (tương đương 1.000 tỷ đồng) nhằm sớm giải quyết khoản chậm thanh toán lên tới 270 triệu yen (tính đến cuối tháng 3/2018).

Tuy nhiên, phía JICA cho rằng việc ứng vốn của Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ là biện pháp tình thế, tạm thời.

[JICA: "Việc giải phóng mặt bằng dự án ODA luôn mất nhiều thời gian"]

"Để các dự án ODA của Nhật Bản được thực hiện một cách thuận lợi và nhanh chóng, đạt được hiệu quả mong muốn, JICA đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục rà soát các thủ tục để nhanh chóng đưa ra những quyết định về việc phân bổ ngân sách cho các dự án vốn vay ODA và đơn giản hóa thủ tục," Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam nói.

Ông Tetsuo Konaka cho hay Nhật Bản cùng với các nhà tài trợ lớn khác đã có các cuộc đối thoại cấp cao với Chính phủ Việt Nam, nhờ đó phân bổ ngân sách năm tài khóa 2018 đã có những chuyển biến rõ rệt. Chính phủ Nhật Bản vẫn đang tiếp tục đề nghị Việt Nam phân bổ thêm ngân sách cho một số dự án hiện đang thiếu vốn như Dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến số 1 hay một số dự án khác do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ quản.

Là một trong những đối tác phát triển lớn nhất, JICA sẽ tiếp tục nỗ lực hợp tác với Chính phủ Việt Nam ở mức độ cao hơn và mong muốn được thảo luận về các vấn đề như lập các dự án ưu tiên cao, thực hiện triển khai các dự án một cách hiệu quả, thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước trên nhiều lĩnh vực ... JICA mong muốn hỗ trợ trên cả 2 phương diện hạ tầng phần cứng và phần mềm (như tăng cường đào tạo nhân lực, bí quyết quản lý kinh doanh...) đóng góp vào công cuộc phát triển và giải quyết các vấn đề của Việt Nam.

Trong tài khóa 2017, JICA tiếp tục thực hiện các chương trình hợp tác phát triển tập trung vào ba trụ cột là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế, hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương và tăng cường quản trị nhà nước. Ba Hiệp định đã được ký kết với tổng số vốn vay ODA là 61,8 tỷ yen đã được ký kết trong năm tài chính 2017. Tổng giá trị vốn vay đã giải ngân là 105,4 tỷ yen; trong đó giá trị ròng là 53,9 tỷ yen./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục