John Lobb:

Phan Dũng, một doanh nhân ở Hà Nội khấp khởi mừng khi biết tin John Lobb, một thương hiệu giày nam cao cấp có 151 năm lịch sử và thuộc sở hữu của hãng thời trang cao cấp Hermès vừa chính thức có mặt tại Việt Nam.

Trong bộ sưu tập giày của mình, bên cạnh những đôi giày của nhiều thương hiệu nổi tiếng khác, Phan Dũng hiện đang có 3 đôi John Lobb. Để sở hữu những đôi giày thửa (bespoke) của hãng này, trước đây, Phan Dũng hay những những tín đồ khác của John Lobb ở Việt Nam thường phải rất vất vả và kỳ công.

Như Phan Dũng, anh từng phải bay sang Paris để nhân viên của hãng đo ni trực tiếp rồi về Việt Nam chờ đợi. Thậm chí, một đôi bespoke như của anh cần thử lên chân nhiều lần để được chỉnh sửa trước khi hoàn thiện. Quy trình này giống như việc may đo quần áo, khá cầu kỳ và mất thời gian.

Vì thế, anh Dũng nhiều lần phải bay từ Việt Nam sang Pháp rồi bay về và mất tới 6 tháng để đón được “đứa con” từ John Lobb. Hay một đôi by request (giày theo yêu cầu trên khuôn giày có sẵn) anh từng mua cũng mất tới 3 tháng chờ đợi. Ngày nhận giày, nâng niu trên tay đôi bespoke, anh bảo còn sung sướng và thích thú hơn yêu được một cô gái đẹp.

Những phụ liệu làm nên một đôi giày John Lobb.
Những phụ liệu làm nên một đôi giày John Lobb.

“Quý ông mang John Lobb không được định nghĩa bởi tuổi tác hay số tiền anh ta có, mà là quan điểm về trải nghiệm. Đó sẽ là một người nhã nhặn, hiểu biết và yêu thích nghệ thuật.”  

Tôi hỏi, xỏ chân vào một đôi giày hàng hiệu anh cảm thấy thế nào? “Giày tây nó buồn cười lắm, một đôi vài triệu và một đôi vài chục triệu nhìn ngoài không có gì khác, nhất là với người ngoại đạo. Nhưng lại rất khác ở cảm giác lên chân và đi, cũng như các chi tiết mà mình hay gọi là “last” – tức khuôn làm nên đôi giày, là bí quyết của các hãng. Nó tạo nên một tổng thể khác biệt,” anh cho biết.

“Với John Lobb thì sao?” “À, thì đấy là cảm giác vững chãi. Chân ôm vừa vặn và không bị lạc mốt. Tất nhiên phong cách ăn mặc nó cũng phải chỉn chu và lịch sự hơn.”

Sở dĩ tôi phải hỏi cảm giác của Dũng để biết được tại sao những người như anh lại có thể bỏ ra từ 2.000 USD đến hơn 6.000 USD, chưa kể chi phí bay đi bay lại, chỉ để sở hữu một đôi giày? Và John Lobb, một thương hiệu thời trang xa xỉ tại sao lại tìm đến thị trường Việt Nam, nơi mà thu nhập bình quân đầu người mới chỉ hơn 2.000 USD?

Cần tới 190 công đoạn trước khi hoàn thiện một đôi giày thủ công.
Cần tới 190 công đoạn trước khi hoàn thiện một đôi giày thủ công.

Vì thế, câu chuyện của tôi với Giám đốc khu vực châu Á Thái Bình Dương của thương hiệu giày John Lobb, ông Nicholas Holt, diễn ra khá sôi nổi khi xoay quanh thị trường giày xa xỉ tại Việt Nam và những thế hệ người tiêu dùng mới.

Việt Nam – Thị trường xa xỉ mới đầy triển vọng

– Xin ông cho biết, thị trường Việt Nam có điều gì hấp dẫn để John Lobb bước chân vào đây, sau khi đã có mặt ở những thị trường phát triển như Pháp, Mỹ, Hong Kong…?

Ông Nicholas Holt: Khi bước chân vào hãng một năm trước, tôi biết hãng Hermès đã có mặt tại Việt Nam nhưng John Lobb thì chưa. Chúng tôi may mắn vì công việc kinh doanh của hãng đang khá tốt và tôi đã nhìn thấy cơ hội từ thị trường Việt Nam nên quyết định bắt đầu tại đây, trong không gian biệt thự hàng hiệu Miluxe. Và tôi tin rằng chúng tôi sẽ thành công.

Tôi nghĩ đây là một thời điểm khá thú vị tại Việt Nam khi mà nhìn chung các sản phẩm xa xỉ đã trở nên phổ biến. Và đã có sự nhận thức, đánh giá về các sản phẩm thủ công, chất lượng của các sản phẩm sử dụng những vật liệu tốt nhất, được các nghệ nhân giỏi nhất trên thế giới chế tác. Chắc chắn đã có sự am hiểu cũng như kiến thức từ khách hàng hơn trước đây.

Thị trường công nghiệp giày xa xỉ thế giới đang phát triển và chúng tôi thấy rất nhiều cơ hội cũng như triển vọng, đặc biệt ở một thị trường mới như Việt Nam.

Những đôi giày được các nghệ nhân làm thủ công hoàn toàn trong xưởng nhà John Lobb.
Những đôi giày được các nghệ nhân làm thủ công hoàn toàn trong xưởng nhà John Lobb.

“Những người tiêu dùng đồ xa xỉ tại Việt Nam muốn có một phong cách độc lập và khác biệt. Họ coi trọng những sản phẩm có nền tảng, mang tính di sản, chất lượng và có nguồn gốc.”

– Ông đánh giá thế nào về những khách hàng tiềm năng của mình?

Ông Nicholas Holt: Chúng tôi nhận thấy rằng nhu cầu về giày và bốt chất lượng cao tại Việt Nam lại đang tăng lên. Những người tiêu dùng đồ xa xỉ tại Việt Nam muốn có một phong cách độc lập và khác biệt. Họ coi trọng những sản phẩm có nền tảng, mang tính di sản, chất lượng và có nguồn gốc.

Một điểm quan trọng là chúng tôi không phải là thời trang nhanh hay một loại hàng xa xỉ mang tính tức thời. Chúng tôi vui lòng dành thời gian để đảm bảo duy trì sự ổn định. Và hiện tại chúng tôi đã có mặt Việt Nam, sau chặng đường 151 năm của mình.

John Lobb đã chế tạo những đôi giày và bốt trong hơn 150 năm qua, với mỗi đôi giày trải qua hơn 190 công đoạn chế tác để mang đến sự khác biệt và độc đáo. Tôi tin rằng sản phẩm của chúng tôi hoàn toàn thích hợp với thị trường Việt Nam.

– Khách hàng của giày xa xỉ ở Việt Nam thường thích thay đổi và có phần “màu mè,” trong khi John Lobb là một hãng giày lâu đời dành cho các “quý ông” với những kiểu dáng cổ điển, vậy các ông có kế hoạch ra sao trong việc thu hút khách hàng Việt Nam?

Ông Nicholas Holt: Xu hướng của công nghiệp giày đang dựa vào “phong cách” nhiều hơn, các khách hàng có thể sẽ không đi những đôi giày mang tính chất “nghi thức” mỗi ngày. Chúng tôi cũng phải thay đổi và bắt kịp với sự thay đổi của thị trường.

Chúng tôi đã đưa ra những bộ sưu tập giày không có dải viền da bao quanh mép giày (non-welted) và đạt được thành công lớn, như bộ sưu tập giày sneaker “Levah” và “Holme” – tự nhiên hơn, thoải mái hơn với phong cách trẻ trung. Thành công của những bộ sưu tập giày (non-welted) đã giúp tiếp cận những khách hàng đương đại, trẻ trung hơn.

Xưởng nhà John Loob ở Northampton, Anh quốc.
Xưởng nhà John Loob ở Northampton, Anh quốc.

Thế hệ tiêu dùng có trải nghiệm tinh tế và đẳng cấp

– Điều gì khiến ông nghĩ người tiêu dùng ở Việt Nam sẽ lựa chọn John Lobb, khi giá một đôi giày là không hề rẻ?

Ông Nicholas Holt: Như tôi đã nói ở trên, những người tiêu dùng đồ xa xỉ tại Việt Nam muốn có một phong cách độc lập và khác biệt. Họ coi trọng những sản phẩm có nền tảng, mang tính di sản, chất lượng và có nguồn gốc.

John Lobb cần tới 190 công đoạn để đóng một đôi giày. Quy trình chính gồm: Clicking (cắt da từ miếng da được chọn lựa từ trước, đây là công đoạn quan trọng đầu tiên) có riêng nghệ nhân cắt da; tiếp đến là sơn viền da; chia nhỏ các phần da đã cắt thành các cấu phần của đôi giày (da mũi, da sườn, da đế trong, đế ngoài…); Closing (quá trình khâu ghép các phần da trên, gọi là “upper” của một đôi giày) là quy trình quan trọng tiếp theo và gồm nhiều công đoạn nhỏ; Stiching – quá trình khâu; Lasting – ghép với khuôn giày…

Ở các hãng giày phân khúc trung cấp, họ thường thuê nhân công làm quy trình “closing” ở một nước thứ ba, vì giá nhân công rẻ và thợ khâu cũng có tay nghề khéo léo. Với số ít hãng cao cấp trong đó có John Lobb thì quá trình này thực hiện hoàn toàn ở Northampton, Anh quốc.

Và điều này đem đến cho khách hàng một trải nghiệm mới, tinh tế và đẳng cấp.

Những đôi giày chỉ dành cho các quý ông.
Những đôi giày chỉ dành cho các quý ông.

“Đi một đôi giày hàng hiệu không phải là để thể hiện mức thu nhập hay sự khoe khoang, mà đây là cách thưởng thức những chi tiết tinh tế.”

– Theo ông đó là trải nghiệm gì?

Ông Nicholas Holt: Theo chúng tôi quan sát, khách hàng của John Lobb có cảm nhận đặc biệt về phong cách, họ không chạy theo xu hướng mà coi trọng vẻ đẹp trong chế tác và di sản của thương hiệu. Đi một đôi giày hàng hiệu không phải là để thể hiện mức thu nhập hay sự khoe khoang, mà đây là cách thưởng thức những chi tiết tinh tế.

Tôi nghĩ độ tuổi không phải là điều quan trọng. Bạn có thể là người thành công với độ tuổi 20 hoặc 60. Tôi đã thấy những người ở độ tuổi 20 đi giày welted và những người ở độ tuổi 60 đi những đôi giày thông thường. Không phải là tuổi mà là sự nhận thức về thương hiệu và sự đánh giá về một điều gì đó sẽ tồn tại trong suốt cuộc đời bạn.

Quý ông mang John Lobb không được định nghĩa bởi tuổi tác hay số tiền anh ta có, mà là quan điểm về trải nghiệm. Đó sẽ là một người nhã nhặn, hiểu biết và yêu thích nghệ thuật.

Quy trình để tạo nên một đôi giày mang thương hiệu John Lobb. 

– Khi gia nhập thị trường Việt Nam, John Lobb hay các hãng giày xa xỉ khác sẽ phải đối mặt với thách thức gì khi chinh phục thị trường này?

Ông Nicholas Holt: Thách thức của chúng tôi hay bất kỳ một hãng giày nào khi gia nhập một thị trường mới như ở Việt Nam là tạo dựng được niềm tin và lòng trung thành của khách hàng dành cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, hãng giày của chúng tôi không bao giờ thỏa hiệp về cấp độ chất lượng và chế tác trong mọi hoàn cảnh.

Tôi cũng muốn nói về những khách hàng sáng suốt. Có những khách hàng có kiến thức nhưng chỉ số lượng nhỏ trong họ hiểu được loại giày welted có quy trình chế tác thế nào. Thường chỉ có những chuyên gia và những người thực sự yêu giày mới hiểu.

Vì thế, điều chúng tôi cần làm là chỉ ra cho khách hàng thấy giá trị của mình, quy trình sản xuất, chất lượng vật liệu, chất lượng tay nghề của nghệ nhân… Bằng những kiến thức chúng tôi có được về thương hiệu cũng như phương pháp chế tác, chúng tôi muốn làm giàu thêm kiến thức cho cả khách hàng lẫn các nghệ nhân của mình.

Ông Nicholas Holt đang giới thiệu về các loại da cho khách hàng Việt Nam.
Ông Nicholas Holt đang giới thiệu về các loại da cho khách hàng Việt Nam.

Tôi cũng muốn bạn biết rằng, tất cả các loại giày welted của chúng tôi sử dụng phương pháp cấu trúc truyền thống của Anh quốc, đòi hỏi mức độ cao nhất trong chế tác. Nó cho chúng tôi khả năng thay đế và chúng tôi cung cấp một loạt các sản phẩm chăm sóc giày để tăng tuổi thọ của chúng.

– Ở thị trường nhỏ và mới như Việt Nam, theo ông sản phẩm giày như nào sẽ phù hợp?

Ông Nicholas Holt: Chúng tôi sẽ cung cấp các loại giày cổ điển như Oxford, Derby, giày lười, giày khóa, bố và Sneaker với một loạt các loại màu và da theo mùa cũng như một bộ sưu tập chính các sản phẩm da và phụ kiện nhỏ. Những bộ sưu tập cốt lõi là: City II kiểu Oxford, giày lười Lopez, giày khóa đôi William.

Đó đều là những sản phẩm mang tính biểu tượng. Giày khóa đôi là một trong những kiểu giày tôi nghĩ rất quan trọng dành cho thị trường Việt Nam. Nó có thiết kế hiện đại, phù hợp với mọi lứa tuổi kết hợp tính đa dụng và rất phong cách.

– Xin cảm ơn những chia sẻ của ông./.

1829 – Nhà sáng lập John Lobb sinh ra tại làng Tywardreath. Ngôi làng nhỏ nằm trên một ngọn đồi ở Cornwall, nước Anh.

1866 – John Lobb mở hiệu giày đầu tiên mang tên ông tại London, và sau đó năm 1899, cửa hiệu đầu tiên mở tại Paris đưa cái tên John Lobb dành cho giới quý tộc khắp thế giới.

1945 – William Lobb thiết kế mẫu giày hai đai khóa mang tính biểu tượng mang tên ông: “William” và mẫu loafer huyền thoại Lopez ra đời vào năm 1950.

1976 – John Lobb thuộc sở hữu của tập đoàn Hermès.

1996- Cửa hiệu John Lobb đầu tiên tại New York khai trương và bắt đầu tấn công thị trường châu Á vào năm 2005 với việc khai trương cửa hiệu đầu tiên tại Nhật Bản. Những năm sau đó John Lobb lần lượt xuất hiện ở Nga, Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ, Hong Kong.

2018 – John Lobb chính thức vào Việt Nam.