Johnny Trí Nguyễn: “Vừa đẵn vừa vác” Bẫy rồng

24/4 tới, "Bẫy rồng" sẽ chính thức bấm máy và dự kiến sẽ đóng máy sau 6 tuần - xem như khởi động sớm nhất của mùa phim Noel, phim Tết 2010.

24/4 tới, đoàn phim Bẫy rồng sẽ chính thức bấm máy và dự kiến sẽ đóng máy sau 6 tuần quay - xem như khởi động sớm nhất của mùa phim Noel, phim Tết 2010.

 

Trong phim này, Johnny Trí Nguyễn vừa là đồng tác giả kịch bản, đồng vai trò nhà sản xuất, vừa đồng vai chính, kiêm luôn chỉ đạo võ thuật và sắp đặt các pha hành động.

 

Các phóng viên có cuộc trò chuyện cùng Trí Nguyễn về vai trò “vừa đẵn vừa vác cả cành lẫn cây” trong bộ phim này của anh.

 

“Đầu tiên nói về kịch bản, anh với đạo diễn Lê Thanh Sơn đã “chia” nhau công việc như thế nào?

 

Johnny Trí Nguyễn: Kịch bản được chia thành 4 lượt viết, tôi viết lượt 1 và 3, còn đạo diễn viết lượt 2 và 4. Đạo diễn cũng là người quyết định cho phiên bản cuối cùng, trước khi mang ra trường quay.

 

Tôi viết theo khuôn khổ, quy tắc và ước đoán các pha hành động sẽ bố trí ở những phân đoạn nào, còn đạo diễn chăm chút cho tâm lý nhân vật, cho sự hợp lý của các chi tiết. Một người lo “kỹ thuật”, một người lo “tình cảm”, một Việt kiều, một người Việt bản xứ kết hợp lại, tôi thấy cũng khá “cân bằng” và chắc sẽ có cái gì đó để xem.

  

Các pha hành động trong phim này, nếu so với Dòng máu anh hùng sẽ có liều lượng và được “phân bố” như thế nào?

 

Johnny Trí Nguyễn: Phim hành động, thì đương nhiên các pha hành động phải là chính yếu, nếu không, khán giả của thể loại phim này sẽ lấy làm thất vọng. Với bối cảnh thành phố và về cuộc sống hiện tại như phim này, các pha hành động đã được chúng tôi tính toán theo một cách khác, vì những cảnh rượt đuổi, truy sát trong các khu phố, không phải là chuyện dễ dàng như trong các phim trường riêng.

 

Cứ khoảng 12 đến 15 phút sẽ có một pha hành động, phim dự kiến 90 đến 95 phút, chúng tôi sẽ làm 5 pha lớn và 2 pha nhỏ. Sẽ có cảnh rượt đuổi tốc độ ngoài đường phố, đấu võ ở câu lạc bộ võ thuật người Tây, với băng đảng người Hoa (ở Chợ Lớn), trong khách sạn 5 sao…

 

Phim hành động luôn tốn kém hơn một số thể loại phim khác, đầu tư của mấy anh vào khoảng bao nhiêu?

 

Johnny Trí Nguyễn: Lý tưởng cho phim hành động ở Việt Nam, theo cách làm của chúng tôi là vào khoảng 2 triệu USD, nhưng thực tế của thị trường phim không cho phép mức đầu tư này, vì sẽ còn có những phát sinh. Tuy không được mức lý tưởng như đã nói ở trên, nhưng so với mặt bằng và thị trường điện ảnh Việt Nam hiện nay, mức này là tạm được.

 

Nhà đồng sản xuất Enervon và nhà tài trợ BMW cũng đang rất hào hứng với phim này, họ sẽ bỏ vào phim những sản phẩm tốt nhất, ví dụ các pha rượt đuổi, khán giả sẽ thấy toàn xe BMW loại xịn và không ngại va chạm, hư hỏng.

 

Ngoài anh (vai Quân) và Ngô Thanh Vân (vai Trinh) là “đôi tình nhân” tướng cướp, trong phim này, còn có những nhân vật đặc biệt nào? Họ có phải đánh võ không?

  

Johnny Trí Nguyễn: Ngô Thanh Vân thì đã có kinh nghiệm võ thuật từ Dòng máu anh hùng, nay tập luyện thêm cũng có nhiều thuận lợi. Những tướng cướp trong phim này hoạt động vây quanh một ông trùm có nickname là Hắc Long (do Hoàng Phúc đóng). Đây là phim võ đầu tiên của anh Phúc, nên anh ấy phải tập luyện rất nhiều, ngày nào cũng từ 10 giờ sáng đến 1 giờ trưa, hơn một tháng nay.

 

Ngoài ra còn có Lâm Minh Thắng và Hiếu Hiền. Thắng thì phải tập võ rất cực, vì đây cũng là lần đầu tiên, còn Hiếu Hiền thì chỉ bắn súng. Ngoài ra còn có một nhóm 10 cascadeur và những khách mời tham gia các pha hành động.

 

Nền tảng của câu chuyện này xoay quanh vấn đề hay bí mật nào?

 

Johnny Trí Nguyễn: Tất cả cùng truy tìm một cái máy laptop, được một tổ chức tội phạm mang từ Pháp về, vì tất cả bí mật nằm trong ấy. Câu chuyện tưởng đơn giản, nhưng tình tiết để dẫn đến các xung đột thì rất nhiều và khá bất ngờ. Khi bí mật của cái laptop được khám phá, mọi người trong cuộc mới hỡi ôi, vì sự thật quá khác biệt và phũ phàng.

 

Phim này cũng khá phức tạp về tâm lý, xen kẽ giữa sự chân thật và gian xảo, giữa “tình tiền tù tội", nên ngoài các pha hành động, cũng đòi hỏi diễn viên “nhấn sâu” vào sự phức tạp này.

 

Trong phim, vai tướng cướp của anh được thể hiện như thế nào?

 

Johnny Trí Nguyễn: Thật khó nói, vì đây là bí mật của phim, phải giữ đến phút cuối cùng. Khán giả có thể đặt câu này cho tôi và 4-5 “tướng cướp” còn lại, xem thử mục đích của việc đánh cướp là gì? Và cuối cùng, ai lương thiện, ai vì chính nghĩa? Tất cả đều có thể được trả lời trong Bẫy rồng, hãy chờ xem vào Noel sắp tới./.

 

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục