Kangaroo khổng lồ tuyệt chủng vì bị săn bắt

Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Flinders, bang Nam Australia đã phát hiện ra bằng chứng cho thấy sự săn đuổi của con người có thể là nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của giống kangaroo khổng lồ (procoptodon goliah) cách đây khoảng 40.000 năm.

Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Flinders, bang Nam Australia đã phát hiện ra bằng chứng cho thấy sự săn đuổi của con người có thể là nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của giống kangaroo khổng lồ (procoptodon goliah) cách đây khoảng 40.000 năm.
 
Trước đây, giới khoa học thường nghiêng về giả thuyết procoptodon goliah, loài kangaroo có kích cỡ lớn nhất được biết đến từ trước đến nay với chiều cao có thể đạt tới gần 3m và nặng 230kg, bị tuyệt chủng vào thời kỳ tiền sử do sự thay đổi khí hậu và sự đốt rừng lấy đất canh tác.
 
Tuy nhiên, các nhà khoa học Australia thấy rằng kích cỡ khổng lồ cộng với cơ chế ăn uống có quá nhiều muối buộc chúng phải giải tỏa cơn khát tại các hố nước mà người nguyên thủy thường sử dụng, khiến loài kangaroo này dễ bị tổn thương hơn trước hoạt động săn bắt của con người.
 
Tiến sĩ Gavin Prideaux cho biết loài động vật tiền sử này ăn rau lê, một loại thực vật có khả năng sống sót trong điều kiện đặc biệt nóng bức, khô cằn ở Australia. Trong những thời kỳ khô hạn, loại cây này sinh sôi nảy nở rất tốt và trở thành nguồn thức ăn dồi dào của các bầy procoptodon goliah.
 
Mặc dầu vậy, giống cây này có đặc điểm là quá mặn, nên buộc loài kangaroo khổng lồ phải uống nhiều nước hơn khi thưởng thức món ăn "khoái khẩu" này.

Sau khi kết thúc "bữa tiệc", chúng thường tìm đến các hố nước mà người nguyên thủy sử dụng để uống nước và khi mon men tới gần, cơ thể đồ sộ của procoptodon goliah dễ trở thành mồi ngon của các thợ săn sinh sống quanh đó và đây là nguyên nhân khiến loài chuột túi khống lồ này biến khỏi trái đất./.
 
Đoàn Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục