Kaspersky ra mắt công cụ quét mã độc trên Twitter

Hãng bảo mật Kaspersky vừa ra mắt công cụ tìm và tiêu diệt các loại mã độc gắn liền các đường link URLtrên mạng xã hội mini Twitter.
Vào ngày 29/10 vừa qua, hãng bảo mật Kaspersky đã chính thức cho ra mắt công cụ diệt mã độc trên mạng xã hội mini Twitter.

Đây là công cụ được Kaspersky phát triển nhằm tìm và tiêu diệt các loại mã độc gắn liền các đường link URL.đang có chiều hướng gia tăng rất nhanh trên mạng xã hội Twitter.

Tên gọi chính thức của công cụ này là "Krab Krawler". Theo những thông tin từ phía Kaspersky cho biết, nó có thể phân tích hàng triệu tin nhắn trên mạng xã hội Twitter mỗi ngày. Đồng thời còn có thể ngăn chặn bất cứ mã độc nào có dính dáng.

Hiện Kaspersky đang quét gần 500.000 đường dẫn URL xuất hiện trên Twitter hàng ngày. Trong số đó có đến hàng nghìn đường dẫn URL được xác định có đính kèm mã độc. Mặt khác, theo phát hiện của Kaspersky, Twitter đang là đích nhắm của virus Koobface – loại virus chuyên gửi đường dẫn chứa mã độc từ những tài khoản người dùng bị nhiễm loại virus khó trị này.

Trước tình hình đó, Kaspersky đã cho ra đời công cụ Krab Krawler như một giải pháp vô cùng cần thiết để ngăn chặn các loại mã độc nguy hiểm.

“Với công cụ mới của chúng tôi, hầu như tất cả những đường link public trên mạng xã hội mini Twitter sẽ được phân tích cụ thể, đồng thời có thể mở rộng đến các URL khác có liên quan để xác định chính xác độ nguy hiểm và tiêu diệt chúng” , ông Costin Raiu, một quan chức cấp cao trong đội nghiên cứu – phân tích của Kaspersky cho biết.

Thực tế, gần đây Twitter và Facebook là hai mạng xã hội liên tục bị tin tặc để mắt đến và hậu quả là đã có một số vụ tấn công làm ảnh hưởng rất lớn đến người sử dụng. Cũng như Facebook, Twitter sau đó đã khắc phục và củng cố hệ thống lọc, phát hiện mã độc nhưng một số đường dẫn chứa mã độc vẫn bị lọt.

Qua đó có thể thấy hệ thống lọc của Twitter là chưa đủ hiệu quả. Trong khi các phần mềm chống virus thường xuyên của Kaspersky có thể phát hiện và ngăn chặn 95% mã độc của người dùng Twitter chỉ trong vòng 2 đến 12 giờ sau khi phát hiện.

“Hiện có có khoảng 26% tổng số tweet trên Twitter có chứa đường dẫn URL, và nhiều URL trong số này dẫn tới các trang web chứa thư rác. Hàng chục nghìn tài khoản khác nhau đang gửi các đường dẫn thư rác, hầu hết là từ các tài khoản do mạng máy tính ma thiết lập.” Ông Costin Raiu cho biết thêm.

Trước Kaspersky, cũng đã có một số hãng bảo mật phát triển công cụ ngăn chặn mã độc cho Twitter. Ví dụ như Finjan với công cụ SecureTwitter cho phép người sử dụng có thể nhận biết sớm được các link có mã độc.

Tuy nhiên, công cụ này chỉ mang tính phát hiện là chủ yếu chứ không diệt được hoàn toàn các loại mã độc như công cụ mới của Kaspersky. Mặt khác, người sử dụng mạng xã hội đang ngày càng tăng nhanh và số lượng các đường link URL được gửi đi hàng ngày là không nhỏ nên SecureTwitter cũng có vẻ như chưa đủ lực để hoàn thành nhiệm vụ./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục