Kẻ đốt thánh đường Hồi giáo bị buộc tội khủng bố

Kẻ đốt thánh đường của người Hồi giáo dòng Shiite tại Brussels của Bỉ vào tối 12/3 sẽ bị điều tra như một nghi can khủng bố.
Kẻ đốt thánh đường của người Hồi giáo dòng Shiite tại Brussels của Bỉ vào tối 12/3 sẽ bị điều tra như một nghi can khủng bố.

Đây là thông báo chính thức của văn phòng công tố viên thành phố.

Thông cáo nêu rõ văn phòng đã quyết định buộc tội tên này có hành động khủng bố và gây hỏa hoạn có chủ ý làm chết người, với động cơ mang tính tôn giáo.

Nghi can 35 tuổi người Morocco này đã phóng hỏa đốt giáo đường Rida thuộc quận Anderlecht tại Brussels, ngay trước lễ cầu nguyện buổi tối. Những người có mặt trong giáo đường lúc đó đã thoát được ra ngoài.

Tuy nhiên, người hướng dẫn các tín đồ làm lễ tại thánh đường này - trong đạo Hồi gọi là Imam - đã thiệt mạng do cố gắng dập lửa.

Sau đó kẻ phóng hỏa đã bị một nhóm đàn ông đang bắt giữ và giao cho cảnh sát.

Tên này lúc đầu bị giam giữ vì tội gây hỏa hoạn làm chết người. Trên thực tế, với động cơ mang tính tôn giáo đằng sau hành động gây hỏa hoạn, y sẽ bị luật pháp xử nghiêm hơn.

Kẻ đốt thánh đường khai rằng y hành động như vậy vì cho rằng người Hồi giáo dòng Shiite phải chịu trách nhiệm về tình trạng đổ máu ở Syria.

Thánh đường ở Anderlecht là thánh đường lớn nhất của người Shiite ở Bỉ.

Trưa 18/3, hàng nghìn người Hồi giáo đã diễu hành trên các đường phố của Anderlecht để phản đối vụ phóng hỏa và bày tỏ sự thương tiếc đối với nạn nhân thiệt mạng.

Khoảng 2.100 người Hồi giáo thuộc nhiều nước Arập đã tham gia cuộc diễu hành chống chủ nghĩa cực đoan này.

Cuộc “diễu hành trắng” được bắt đầu tại Anderlecht và kết thúc tại quảng trường trước Bộ Tư pháp ở trung tâm thủ đô Brussels.

Những người tổ chức cuộc tuần hành muốn chứng tỏ vụ việc này không phản ánh tình trạng căng thẳng đang gia tăng giữa các nhóm Hồi giáo khác nhau, đồng thời đưa ra thông điệp rằng cộng đồng người Hồi giáo ở Brussels không để bị chia rẽ do sự bất đồng giữa người Hồi giáo dòng Sunni và dòng Shiite. Ở nhiều nước Arập, mâu thuẫn này đã dẫn tới đổ máu.

Bằng việc chọn Bộ Tư pháp làm đích, những người diễu hành muốn nhấn mạnh rằng tiến trình pháp lý cần được tiến hành để làm sáng tỏ vụ việc./.

Thái Vân/Brussels (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục