Kế hoạch hòa bình của Tổng thống Mỹ sẽ làm "nổ tung" Trung Đông

Mới đây, mạng tin Politico đăng bài phân tích về kế hoạch hòa bình Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump của ba tác giả người Israel.
Người dân Palestine biểu tình phản đối hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ tại thành phố Ramallah, Bờ Tây ngày 25/6 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người dân Palestine biểu tình phản đối hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ tại thành phố Ramallah, Bờ Tây ngày 25/6 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mạng tin politico.com đưa tin, mới đây, mạng tin Politico đăng bài phân tích về kế hoạch hòa bình Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump của ba tác giả, gồm Ami Ayalon, cựu giám đốc cơ quan an ninh Shin Bet của Israel; Gilead Sher, từng là Tham mưu trưởng dưới thời cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak và hiện là người đứng đầu Trung tâm Đàm phán ứng dụng thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia của Israel, và ông Orni Petruschka, một nhà doanh nghiệp công nghệ cao ở Israel.

Dưới đây là nội dung cụ thể:

Trên báo chí, tin tức nghe thật tuyệt vời: Chính quyền Mỹ tổ chức một hội nghị kinh tế mang tên "Hòa bình tới thịnh vượng" ở Bahrain để khởi động các cuộc đàm phán hòa bình Israel-Palestine.

Tuy nhiên, ẩn sau vẻ hào nhoáng bên ngoài của các chiêu quảng cáo rùm ben, chúng ta sẽ nhận thấy đây là một cách tiếp cận quá đơn giản một cách nguy hiểm đối với một vấn đề phức tạp.

Bất kể ai đã theo dõi xung đột Israel-Palestine trong 30 năm qua đều hiểu rằng tuyên bố của Tổng thống Donald Trump rằng đây là bước đi đầu tiên trên con đường tiến tới một thỏa thuận chỉ là hình thức và không có thực chất - một tên gọi mới cho ý tưởng cũ đã thất bại từng biết đến với cái tên "hòa bình kinh tế" và trước đó là "một Trung Đông mới."

Đặt kinh tế lên hàng đầu, trước cả một tiến trình chính trị, không chỉ là một sai lầm chiến thuật, mà còn là một thất bại tiếp theo trong một chuỗi dài những nỗ lực đã không đem lại kết quả nhằm tiến tới giải pháp hai nhà nước vĩnh viễn.

Việc chính quyền của Tổng thống Trump đặt trọng tâm vào kinh tế - dưới sự dẫn dắt của Jared Kushner, cố vấn cấp cao và cũng là con rể của ông Trump - là một sai lầm chiến thuật gây cản trở cho các cuộc đàm phán ngay cả trước khi chúng được bắt đầu.

Nếu ông Trump và đội ngũ của ông có nghiên cứu lịch sử, họ sẽ biết rằng đặt kinh tế lên trước các vấn đề chính trị cốt lõi là "một cú tát thẳng vào mặt" đối với người Palestine.

Tất nhiên, người Palestine muốn cải thiện chất lượng cuộc sống của họ, tất nhiên họ muốn xây dựng một nền kinh tế ngày càng phát triển. Tuy nhiên, đó chỉ là những mục tiêu thứ yếu mà họ sẽ theo đuổi sau khi giành được quyền tự quyết.

Nếu người Palestine có thể bị "mua chuộc" bằng các lợi ích kinh tế thì chúng ta từ lâu đã không cần tới đàm phán. Cách tiếp cận của Tổng thống Trump không chỉ phi đạo đức mà còn phi thực tế.

Sự thật là vấn đề kinh tế không đủ để giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine. Thỏa thuận Paris, và trước đó là Hiệp định Oslo - hai thỏa thuận giữa Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) được ký kết trong những năm 1990 nhưng sau đó chưa bao giờ được thực hiện - cũng tập trung vào vấn đề kinh tế và cả hai đã không cứu vãn được tình hình an ninh ngày càng xấu đi, dẫn tới cuộc nổi dậy lần thứ hai, một cuộc cách mạng đẫm máu kéo dài 4 năm của Palestine chống lại việc Israel chiếm đóng khu Bờ Tây.

Cả hai cuộc nổi dậy đều không nổ ra vì các lý do kinh tế. Chúng diễn ra là bởi con đường phía trước trở nên mờ mịt, và bởi người Palestine cảm thấy rằng những lợi ích kinh tế mà họ sẽ nhận được sẽ không giúp chấm dứt sự chiếm đóng.

Những kỳ vọng về việc sẽ xây dựng được sự tin tưởng lẫn nhau đã bị phá hủy khi thiếu vắng một kế hoạch chính trị nhằm chấm dứt cuộc xung đột này. Điều này đã gây ra sự tuyệt vọng, dẫn tới các cuộc nổi dậy khiến nhiều người thiệt mạng ở cả hai phía.

Chúng ta hiện đang phải đối mặt với nguy cơ này một lần nữa. Bằng việc đưa kinh tế lên hàng đầu trong khi phớt lờ một giải pháp chính trị, Tổng thống Trump đang lặp lại một sai lầm lớn: nối lại đàm phán mà không định rõ mục tiêu cuối cùng.

Đối với cả Israel và Palestine, mục tiêu đó nên là chấm dứt sự chiếm đóng và thiết lập một nhà nước Palesinte bên cạnh Israel trong phạm vi các đường biên giới đã được vạch ra từ năm 1967, cùng với những sự đổi đất cần thiết.

Trừ khi cả hai bên và nước trung gian tuyên bố điều này rõ ràng ngay từ đầu, nếu không những mong muốn khác nhau giữa các bên sẽ gây ra sự nghi kị, khiến việc ngồi lại với nhau trở nên vô ích. Điều này sẽ làm các bên vỡ mộng thêm và khiến bạo lực leo thang.

Nếu mục tiêu của các cuộc đàm phán không được xác định rõ ràng là chấm dứt xung đột và thiết lập một nhà nước Palestine, sẽ còn nhiều người phải thiệt mạng.

Hơn nữa, sẽ không có một nhà nước dân chủ của người Do Thái nếu không giải quyết được vấn đề Palestine. Vấn đề là một khi thỏa thuận của Tổng thống Trump được đưa ra bàn đàm phán, sẽ rất khó để phớt lờ nó.

Israel và chính quyền Palestine sẽ phải đáp lại. Điều này sẽ đặt Tổng thống của chính quyền Palestine Mahmoud Abbas, vốn đã bị phần lớn người dân Palestine coi là người cộng tác với Israel, vào một sự ràng buộc nguy hiểm.

Kế hoạch hòa bình của Tổng thống Mỹ sẽ làm "nổ tung" Trung Đông ảnh 1Người dân Palestine biểu tình phản đối hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ tại thành phố Nablus, Bờ Tây ngày 25/6 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông ấy sẽ không thể chấp nhận một thỏa thuận rõ ràng đã phớt lờ những nguyện vọng của người Palestine, nhưng bác bỏ thỏa thuận đó sẽ khiến ông trở thành một kẻ chống lại hòa bình.

Sức ép ở trong nước có thể buộc ông phải ngừng hợp tác với Israel trong vấn đề an ninh, điều này sẽ làm gia tăng chủ nghĩa khủng bố. Con đường để chủ nghĩa khủng bố từ đó kích động toàn bộ khu vực sẽ rất ngắn, và lịch sử đầy đau thương của các cuộc xung đột sẽ diễn ra.

Một "vụ nổ" ở Trung Đông sẽ bị châm ngòi bởi một điểm xung đột khác, đó là căng thẳng đang leo thang nhanh chóng giữa Mỹ và Iran, có liên quan tới vấn đề Israel-Palestine.

Cách tốt nhất để đối phó hiệu quả với Iran là thông qua một liên minh khu vực gồm các chế độ tương đối ôn hòa theo Hồi giáo dòng Sunni, đứng đầu là Ai Cập, Jordan và Saudi Arabia, với sự tham gia ngầm của Israel.

Tuy nhiên, việc thành lập một liên minh như vậy là không thể, trừ khi có một tiến trình chính trị đáng tin cậy nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine; người Arab sẽ không chịu hợp tác với Israel nếu không có một tiến trình như vậy. Do đó, đối với chính quyền Trump - vốn luôn coi việc đối đầu với Iran là mục tiêu chính sách đối ngoại quan trọng, một kế hoạch nhằm tạo ra tiến trình chính trị này sẽ vô cùng quan trọng.

Người ta thường nói "đường tới địa ngục được lát bằng thiện tâm." Hiện chưa rõ liệu ông Trump có "thiện tâm" hay chỉ đơn thuần là tìm cách giúp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có được lợi thế chính trị.

Đưa cho ông Abbas một sự lựa chọn không khả thi đối với ông ta sẽ giúp ông Netanyahu thắng thêm một vòng nữa của trò chơi đổ lỗi và cáo buộc Palestine quay lưng lại với một thảo thuận tốt, giúp ông Netanyahu nhận được sự ủng hộ của những cử tri vốn luôn bác bỏ giải pháp hai nhà nước.

Tuy nhiên, kết quả có thể sẽ là có thêm nhiều người phải thiệt mạng và leo thang căng thẳng làm trì hoãn các cuộc đàm phán mang tính xây dựng - và một liên minh chống Iran ở Trung Đông - trong nhiều năm.

Để chấm dứt xung đột Israel-Palestine, bảo vệ người dân Iran và Palestine, ngăn chặn tình trạng đổ máu và bất ổn ở Trung Đông, cách tiếp cận "kinh tế trước tiên" đầy nguy hiểm của Tổng thống Trump cần phải bị loại bỏ - hoặc nếu không thì cũng phải bị phản đối./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục