Kế hoạch sửa đổi Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ gặp trở ngại

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 3/5 đã bác bỏ một điều khoản chủ chốt của dự thảo sửa đổi Hiến pháp mà chính phủ nước này đệ trình.
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 3/5 đã bác bỏ một điều khoản chủ chốt của dự thảo sửa đổi Hiến pháp mà chính phủ nước này đệ trình. Đây là đòn đánh bất ngờ giáng vào Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền và kế hoạch cải tổ Hiến pháp của đảng này.

Điều khoản sửa đổi trên qui định các công tố viên chỉ được phép mở điều tra chống một chính đảng nào đó sau khi Quốc hội chấp thuận việc này, như vậy điều kiện để buộc một chính đảng ngừng hoạt động sẽ trở nên khó khăn hơn. Điều khoản này nhận được sự ủng hộ của 327 trong tổng số 550 nghị sĩ Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, song không đủ 330 phiếu cần thiết để được thông qua trong phiên bỏ phiếu cuối cùng. Như vậy, điều khoản này sẽ bị loại khỏi gói các điều khoản cải cách.

Trước đó, AKP cho rằng Thổ Nhĩ Kỹ cần phải sửa đổi bản hiến pháp hiện nay nhằm cải thiện dân chủ và nhân quyền, đồng thời thúc đẩy quá trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của nước này. Tuy nhiên, các đảng đối lập cho rằng động thái này của AKP là nhằm tăng quyền kiểm soát đối với lĩnh vực tư pháp và quân đội. Trong gói những điều khoản cải cách, điều khoản gây tranh cãi nhất chính là điều khoản về chính đảng kể trên, cùng với điều khoản cho phép các tòa án dân sự được điều tra và xét xử các quân nhân trong các vụ án hình sự cụ thể.

Bản hiến pháp hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ được thông qua từ năm 1982, sau khi giới quân sự tiến hành đảo chính. Đặc biệt, những quy định dễ dàng đối với việc cấm các chính đảng hoạt động khiến Thổ Nhĩ Kỳ chịu sự chỉ trích mạnh từ EU, vì trên thực tế kể từ khi bản hiến pháp được thông qua đến nay, đã có gần 20 đảng chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ bị cấm hoạt động.

Năm 2008, AKP từng suýt bị tòa án cấp cao nhất của Thổ Nhĩ Kỳ cấm hoạt động sau khi bị lực lượng thế tục, với sự hậu thuẫn của cơ quan tư pháp và quân đội, cáo buộc làm xói mòn đời sống thế tục nhằm thiết lập một nhà nước Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ.

AKP hiện chiếm đa số với 335 ghế trong Quốc hội, song vẫn chưa đủ 367 ghế cần thiết để có thể thông qua toàn bộ kế hoạch cải cách Hiến pháp. Theo quy định, bất kỳ điều khoản sửa đổi nào bị bác bỏ tại vòng bỏ phiếu thứ hai sẽ tự động bị loại bỏ khỏi dự thảo; trong khi những điều khoản nhận được từ 330 đến 366 phiếu ủng hộ có thể được đem ra trưng cầu dân ý. Do đó, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ tổ chức trưng cầu dân ý nếu AKP thất bại trong việc giành được đa số phiếu cần thiết để thông qua toàn bộ dự thảo sửa đổi Hiến pháp nói trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục