Kế sách của Thổ Nhĩ Kỳ trước “cơn sốt” dầu khí ở Địa Trung Hải

Thổ Nhĩ Kỳ luôn háo hức để trở thành một phần trong “cơn sốt” dầu khí ở Đông Địa Trung Hải suốt nhiều thập kỷ qua.
Binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch quân sự tại Ras al-Ain, miền Đông Bắc Syria. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch quân sự tại Ras al-Ain, miền Đông Bắc Syria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng eurasiareview.com đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ luôn háo hức để trở thành một phần trong “cơn sốt” dầu khí ở Đông Địa Trung Hải suốt nhiều thập kỷ qua, song họ lại chậm chạp trong việc thực hiện hành động cụ thể.

Họ chậm chạp trong việc phân định ranh giới hàng hải bởi họ gặp vấn đề với hầu hết các nước láng giềng và không công nhận Chính phủ đảo Cyprus. Họ cũng đang tham gia vào cuộc chiến với Syria.

Mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Ai Cập đang ở mức thấp nhất. Và họ gặp nhiều vấn đề nghiêm tọng với Hy Lạp.

Hai bản ghi nhớ (MoU), được ký hồi tháng 11 vừa qua giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Libya, đã làm thay đổi cục diện khu vực: một cho hợp tác quân sự, và một cho việc phân định ranh giới trên biển.

Các thỏa thuận trước đây giữa Ai Cập, Israel, Liban, Cyprus và Hy Lạp đã phân chia khu vực Đông Địa Trung Hải cho chính họ mà không đếm xỉa đến Ankara.

Những gì còn lại cho Thổ Nhĩ Kỳ bị giới hạn ở nửa phía Bắc của dải biển hẹp giữa bờ biển Địa Trung Hải và đảo Cyprus.

Thổ Nhĩ Kỳ kiên trì ủng hộ lập trường cho rằng các đảo không nên có thềm lục địa. Điều này rất quan trọng bởi lục địa Anatolia được bao quanh bởi các hòn đảo thuộc về Hy Lạp.

Nếu các đảo được phép có thềm lục địa, vậy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị tước đi hầu hết các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà nước này tin là thuộc về họ.

Năm 1995, khi Quốc hội Hy Lạp ủy quyền cho Chính phủ nới độ rộng của lãnh hải từ 6 đến 12 dặm, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã ngay lập tức coi động thái như vậy là một lý do phát động chiến tranh.

Nếu Hy Lạp thực hiện hành động như vậy, tất cả các bến cảng của Thổ Nhĩ Kỳ trên Biển Aegean sẽ bị ngăn cách khỏi thế giới bởi vùng lãnh hải của Hy Lạp.

Nắm bắt được nền tảng này, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký MoU với Libya dựa trên cách tiếp cận rằng biên giới trên biển của các đảo nên bị giới hạn trong vùng lãnh hải của họ.

Không gian trên biển vượt quá lãnh hải đó nên được coi là phần mở rộng của thềm lục địa Anatolia.

[Israel phản đối thỏa thuận biên giới trên biển giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Libya]

Có một hòn đảo nhỏ của Hy Lạp tên là Kastellorizo, với diện tích 7,3km2, ngoài khơi bờ biển phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ, đối diện với huyện Kas thuộc tỉnh Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hòn đảo này cách vùng đất liền Anatolia 2,1 dặm và cách đất liền Hy Lạp 600 dặm. Có khoảng 500 người sinh sống trên hòn đảo này.

Nhiều bản đồ không hiển thị hòn đảo bởi kích thước quá nhỏ của nó. Nếu chúng ta cho rằng hòn đảo nhỏ bé này nên có một thềm lục địa, nó sẽ trở thành một khu vực hàng hải trên Biển Địa Trung Hải, rộng lớn gấp 2.000 lần so với diện tích của chính nó.

Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng điều này đi ngược với nguyên tắc công bằng. Tiêu chí tương tự được áp dụng, ở một quy mô khác, đối với các hòn đảo khác của Hy Lạp ở Đông Địa Trung Hải như Crete, Rhodes và Karpathos.

Thỏa thuận Thổ Nhĩ Kỳ-Libya dựa trên cơ sở rằng một hòn đảo không thể có thềm lục địa. Nó chia thành hai khu vực biển mà Ai Cập, Cyprus, Hy Lạp và Israel tuyên bố chủ quyền, và tạo ra một hành lang rộng 94 dặm giữa hai phần.

Cách tiếp cận này thay đổi một số mô hình phân chia lô khai thác dầu khí đã được các quốc gia này thỏa thuận trước kia.

Thỏa thuận Thổ Nhĩ Kỳ-Libya được xây dựng như sau: Nếu bạn tập trung vào điểm cực Đông lãnh hải của 3 hòn đảo thuộc Hy Lạp ở Đông Địa Trung Hải, cụ thể là Rhodes, Karpathos và Crete, rồi vẽ một đường từ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ đến Vùng đặc quyền kinh tế của Libya, đường này sẽ tạo thành biên giới phía Tây của hành lang.

Khi bạn vẽ một đường dài 94 dặm khác về phía Đông của đường đầu tiên, sẽ xuất hiện một hành lang chia rẽ biên giới hàng hải của Hy Lạp với biên giới hàng hải của Ai Cập, Israel và Cyprus.

Nếu những nước này muốn vận chuyển dầu khí tới châu Âu bằng đường ống dẫn, họ sẽ phải băng qua một hành lang thuộc thẩm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đảo Cyprus đã ký hợp đồng trị giá 9,3 tỷ USD với một nhóm các công ty dầu khí - bao gồm Noble, Shell và Delek lần lượt đến từ Mỹ, Hà Lan và Israel.

Các quốc gia này sẽ tìm cách buộc Thổ Nhĩ Kỳ và Libya phải chùn bước trước sáng kiến của họ.

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nếu cần, họ sẽ sử dụng lực lượng quân sự để bảo vệ lợi ích của mình. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là trường hợp xấu nhất, bởi vì họ sẽ phải đối mặt với một vài bên liên quan cùng một lúc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục