Kênh xáng Xà No- con đường lúa gạo Hậu Giang

Trong hoạt động Festival lúa gạo VN, ngày 30/11, Hậu Giang đã tổ chức Hội thảo “Kênh xáng Xà No- con đường lúa gạo miền Hậu Giang”.
Ngày 30/11, tại thị xã Vị Thanh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với trường Đại học Cần Thơ và Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo “Kênh xáng Xà No- con đường lúa gạo miền Hậu Giang”.

Đây là một trong 4 hội thảo quan trọng nằm trong hoạt động Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ I tại Hậu Giang. 

Kênh xáng Xà No là tuyến đường thủy huyết mạch của Hậu Giang và cả vùng Tây sông Hậu, là tuyến xa lộ bằng đường thủy không chỉ vận chuyển lúa gạo mà còn vận chuyển hành khách, hàng hóa hết sức quan trọng của khu vực.

Kênh xáng Xà No được đào từ năm 1901 đến tháng 7/1903 thì hoàn thành, nối từ rạch Cần Thơ, một nhánh của sông Hậu đến sông Cái Tư, một nhánh của sông Cái Lớn (thuộc thị xã Vị Thanh, Hậu Giang hiện nay) với chiều dài 34km, chiều rộng 60m, sâu từ 2-9m; là công trình thủy lợi giúp đưa lượng nước ngập úng, nước lụt ra biển Tây.

Sau khi kênh xáng được hình thành, nhiều “Điền Tây” do người Pháp quản lý bắt đầu hình thành, mỗi điền có diện tích hàng chục ngàn mẫu, hình thành các nhà máy xay xát lúa gạo, kho lúa lớn dọc 2 bên bờ kênh.

Cũng sau khi đào kênh, diện tích và sản lượng lúa miền Hậu Giang đã tăng lên nhanh chóng, trong đó sản lượng gạo xuất khẩu vùng Hậu Giang năm 1908 tăng lên 900.000 tấn trên tổng số 1,3 triệu tấn gạo xuất khẩu của cả nước.

Với những lợi thế về thủy lợi, giao thông, thu mua, chế biến xuất khẩu gạo tăng lên nhanh nên kênh xáng Xà No đóng vai trò là “con đường lúa gạo” góp phần cung ứng nhu cầu lúa gạo và xuất khẩu cho cả nước.

Ngày nay, kênh xáng Xà No đã được Chính phủ đầu tư nạo vét để trở thành tuyến đường thủy quan trọng của tiểu vùng Tây sông Hậu đồng thời đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi với Dự án Ô Môn-Xà No phục vụ cho sản xuất lúa chất lượng cao, cây ăn trái , hoa màu và nuôi thủy sản cho hàng chục ngàn hécta dọc theo 2 bờ kênh.

Tỉnh Hậu Giang còn tiếp tục tô điểm thêm cho dòng kênh bằng cách đã và đang thực hiện công trình kè Xà No với chiều dài 25km với tổng vốn 1.200 tỷ đồng.

Tại Hội thảo, các diễn giả còn tập trung trình bày, phân tích sâu, làm rõ thêm các nội dung về lịch sử miền đất Hậu Giang gắn với kênh xáng Xà No, công tác nghiên cứu thủy lợi cho miền Hậu Giang, khẳng định vai trò to lớn của dòng kênh trong lịch sử, hiện tại và tương lai, từ đó kiến nghị nhiều giải pháp, chính sách đầu tư, phát triển đúng tầm cho dòng kênh quan trọng và nổi tiếng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục