Kéo thời hạn bảo hộ quyền tác giả lên 75 năm

Với việc sửa đổi kéo dài thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan lên tới 75 năm thay vì 50 năm theo luật hiện hành, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ nhằm đảm bảo sự hài hòa về lợi ích giữa các chủ thể quyền ở trong và ngoài nước.

Với việc sửa đổi kéo dài thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan lên tới 75 năm thay vì 50 năm theo luật hiện hành, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ nhằm đảm bảo sự hài hòa về lợi ích giữa các chủ thể quyền ở trong và ngoài nước.

Dự án cũng quy định rõ thời hạn bảo hộ 75 năm chỉ áp dụng đối với các loại hình tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.

Đọc tờ trình dự án Luật sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ trước Quốc hội ngày 22/5, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho biết theo quy định của Luật hiện hành, thời hạn bảo hộ quyền tác giả trong các lĩnh vực trên là 50 năm, trong khi các hiệp định song phương, đa phương mà Việt Nam là thành viên như Hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA), Hiệp định thương mại về quyền Sở hữu trí tuệ (TRIPS) lại quy định thời hạn bảo hộ là 75 năm thì thiệt thòi trước tiên sẽ là các tác giả và các nhà sản xuất Việt Nam

Mặt khác, xu thế chung của các nước trên thế giới là kéo dài thời hạn bảo hộ theo nguyên tắc đời người vì tuổi thọ bình quân của con người đã tăng lên (người Việt Nam có tuổi thọ bình quân 73 tuổi).

Bởi vậy, theo ông Tuấn Anh,  việc sửa đổi này nhằm để công dân, pháp nhân Việt Nam được hưởng các lợi ích như công dân, pháp nhân các nước thành viên WTO khi Việt Nam thực hiện nguyên tắc đối xử tối huệ quốc theo Hiệp định TRIPS cũng như khắc phục những bất bình đẳng về thời hạn bảo hộ đã cam kết tại BTA.

Thẩm tra về dự án sửa đổi Luật sở hữu trí tuệ, đa số ý kiến trong Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng việc nâng thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan là cần thiết bởi một mặt đảm bảo lợi ích của chủ thể, khuyến khích họ lao động sáng tạo, mặt khác việc sửa đổi tạo ra sự bình đẳng giữa công dân, tổ chức Việt Nam với công dân, tổ chức các nước có quan hệ điều ước với Việt Nam.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau 2 năm thực hiện, Luật sở hữu trí tuệ đã tạo hành lang pháp lý an toàn khuyến khích các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả của lao động sáng tạo, thúc đẩy bảo hộ tại quốc gia và hội nhập quốc tế. Năm 2008, trên 4.300 giấy chứng nhận đăng ký sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan được cấp, tăng trên 56% so với năm 2007.

Công tác phòng, chống ngăn chặn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng được triển khai mạnh mẽ. Riêng trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan, trong 2 năm qua, thanh tra Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát hiện và xử lý gần 10.600 cơ sở vi phạm, với tổng số tiền xử phạt lên tới trên 23 tỷ đồng.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày 19/6 tới./.

Hồng Hạnh (Vienam+)

Tin cùng chuyên mục