Kết hợp khai thác thủy sản với giữ chủ quyền biển đảo

Các đại biểu đã đưa ra 7 nhóm giải pháp nhằm phát triển bền vững ngành thủy sản của vùng duyên hải miền Trung tại hội thảo trong khuôn khổ Festival Thủy sản Việt Nam.
Kết hợp khai thác thủy sản với giữ chủ quyền biển đảo ảnh 1Quang cảnh buổi hội thảo. (Ảnh: Bang Nhiệm/TTXVN)

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Festival Thủy sản Việt Nam 2014, ngày 29/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung và Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học "Xúc tiến thương mại nhằm phát triển thủy sản bền vững vùng duyên hải Miền Trung."

Vùng duyên hải Miền trung bao gồm 9 tỉnh, thành phố (từ Thừa Thiên-Huế đến tỉnh Bình Thuận) có đường bờ biển chiếm 43,8% của cả nước. Vùng có ngư trường khai thác thủy sản rộng lớn, đặc biệt là ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa.

Tính đến hết năm 2012, toàn vùng có 46.201 tàu thuyền khai thác thủy sản với hơn 200.000 lao động tham gia đánh bắt. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt trên 33.778ha, sản lượng nuôi trồng đạt hơn 180.333 tấn. Giá trị sản xuất ngành thủy sản của vùng đạt hơn 27.337 tỷ đồng.

Để góp phần phát triển bền vững ngành thủy sản của vùng duyên hải miền Trung, tại hội thảo các đại biểu đã tập trung thảo luận và đưa ra 7 nhóm giải pháp.

Đầu tiên, cần tổ chức quy hoạch phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 và đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.

Các đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh việc liên kết giữa ngư dân với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nghề cá.

Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ ngành thủy sản, trong đó xác định trường Đại học Nha Trang, Đại học Nông Lâm Huế và Viện nuôi trồng thủy sản III là cơ sở đào tạo chủ yếu; ứng dụng kỹ thuật và công nghệ mới trong khai thác, nuôi trồng và chế biến.

Các đại biểu cũng cho ý kiến về hoàn thiện các chính sách về giao, cho thuê mặt nước để phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa; đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ ngư dân khắc phục rủi ro và khai thác trên các vùng biển xa.

Từ thực tiễn, nhiều nhà khoa học còn kiến nghị Chính Phủ cần phải có chính sách gắn kết giữa phát triển du lịch đẳng cấp cao với phát triển thủy sản để nâng cao giá trị. Đồng thời phải kết hợp giữa khai thác thủy sản với bảo vệ chủ quyền biển đảo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục