Kết luận về thực hiện chính sách với người có công

Văn phòng chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng về Chương trình phối hợp tổng rà soát việc thực hiện chính sách đối với người có công.
Kết luận về thực hiện chính sách với người có công ảnh 1Kiểm tra sức khỏe tại Trung tâm điều dưỡng người có công Kim Bôi. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Ngày 8/11, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo số 406/TB-VPCP Thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp về Chương trình phối hợp tổng rà soát việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015, tổ chức ngày 19/10, tại Hà Nội.

Nội dung Thông báo như sau.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tổng rà soát việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015; nghe báo cáo dự thảo Chương trình phối hợp giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổng rà soát việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách trong 2 năm 2014-2015; ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kết luận:

1. Hoàn thiện và tổ chức thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng là một trong những chủ trương lớn và là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên được Đảng, Nhà nước ta quan tâm; là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các Bộ, ngành, các tổ chức đoàn thể và nhân dân.

Hơn 60 năm thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đã đạt được những kết quả tích cực; đã xác nhận trên 8,8 triệu đối tượng người có công chiếm khoảng 10% dân số cả nước; trên 1,5 triệu người có công và thân nhân người có công được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng của Nhà nước.

Việc ban hành các chính sách toàn diện trên nhiều lĩnh vực và tích cực tổ chức thực hiện có hiệu quả đã và đang tạo điều kiện cho 98% người có công và thân nhân của người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư tại địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những tồn tại cần phải tập trung khắc phục, đó là chế độ chính sách vẫn còn bất cập, chưa phù hợp hoặc thiếu tính khả thi với thực tiễn; thiếu sót, chậm trễ trong việc thực hiện đầy đủ chính sách cho người có công, vẫn còn một số người có công chưa được hưởng hoặc chưa được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Nhà nước; đời sống của một bộ phận gia đình chính sách chưa ổn định vững chắc; trong tổ chức thực hiện ở một số địa phương vẫn còn thiếu sót, có tình trạng tiêu cực lập hồ sơ giả mạo để được hưởng chính sách làm ảnh hướng đến uy tín của Đảng và Nhà nước, gây mất lòng tin của nhân dân…

2. Để tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể chính trị-xã hội trong tổ chức thực hiện tốt hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công; đáp ứng lòng mong mỏi của người có công và toàn xã hội; khắc phục thiếu sót chậm trễ trong thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người có công; đồng thời hướng tới kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954-07/5/2014), 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2014) và 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015), các Bộ, các ngành, địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ sau đây:

a) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với cơ quan liên ngành hoàn chỉnh Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phối hợp tổng rà soát việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015 trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 10 năm 2013.

b) Các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng, Quốc phòng, Công an, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ của mình, tiếp tục tập trung rà soát, đánh giá kết quả việc thực hiện chính sách hiện có (xác nhận người có công; hỗ trợ tài chính; hỗ trợ phát triển kinh tế; nhà ở; chăm sóc sức khỏe cho người có công và con của người có công; giáo dục đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho con của người có công; tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ và xác định danh tính liệt sỹ còn thiếu thông tin), trọng tâm là các đối tượng liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học, người có công giúp đỡ cách mạng và việc thực hiện ưu đãi đối với người có công với cách mạng; nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách chưa phù hợp hoặc chưa khả thi. Hoàn chỉnh biên soạn tài liệu hướng dẫn tiêu chí rà soát, đánh giá thực hiện chính sách người có công trong tháng 11 năm 2013.

c) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế khẩn trương hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

d) Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên ngành hoàn chỉnh Chương trình phối hợp tổng sà soát việc thực hiện chính sách với người có công với cách mạng trong 2 năm (2014-2015) vào cuối tháng 11 năm 2013.

Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam, Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam chủ động thực hiện chức năng giám sát việc thực hiện chính sách đối với người có công; tích cực tham gia và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan thực hiện Chương trình phối hợp tổng sà soát việc thực hiện chính sách với người có công với cách mạng trong 2 năm (2014-2015).

đ) Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các địa phương và đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ, bám sát Chương trình phối hợp tổng sà soát việc thực hiện chính sách với người có công với cách mạng trong 2 năm (2014-2015), xây dựng kế hoạch rà soát cụ thể theo các đối tượng nêu trên về việc thực hiện chính sách trên địa bàn (xã, phường, thị trấn; quận, huyện; tỉnh, thành phố); phát hiện, kiến nghị những bất hợp lý cần bổ sung, sửa đổi về cơ chế chính sách đối với người có công phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước.

e) Các cơ quan Báo Nhân dân, Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách ưu đãi người có công và kết quả thực hiện; chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tuyên truyền kịp thời việc tổ chức, tiến độ triển khai và kết quả thực hiện Chương trình phối hợp tổng sà soát việc thực hiện chính sách với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015 sâu rộng trên phạm vi cả nước; giới thiệu các điển hình thực hiện tốt các chính sách và tổng rà soát các chính sách đối với người có công; đồng thời sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin hiện đại trong việc cập nhật thông tin, giải đáp chế độ, chính sách, góp phần nâng cao hiểu biết của người dân cũng như đấu tranh với hiện tượng tiêu cực trong việc thực hiện chính sách với người có công./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục