Kết nối Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cần cơ chế quản trị minh bạch

Nếu kết nối là chiến lược phát triển ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thì điều quan trọng là xây dựng cơ chế quản trị và một thể chế thống nhất.
Kết nối Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cần cơ chế quản trị minh bạch ảnh 1 Các Trưởng đoàn chụp ảnh chung tại Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 14 ở Thái Lan. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Báo Jakarta Post số ra mới đây có đăng bài viết với nhận định, là một nền tảng phát triển cho cấu trúc khu vực và tăng trưởng kinh tế, khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã nhận được sự đồng tình từ các nhà lãnh đạo 18 quốc gia thành viên tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á lần thứ 14 ở Bangkok, Thái Lan.

Tuyên bố của hội nghị đã nhắc lại sự ủng hộ đối với một cộng đồng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hòa bình, ổn định, kiên cường, năng động và bao trùm; đồng thời nhấn mạnh tính trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang phát triển.

ASEAN đã đạt được sự đồng thuận xung quanh Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, dựa trên các nguyên tắc minh bạch, bao gồm quản trị tốt và bổ sung cho các khuôn khổ hợp tác hiện có.

ASEAN đã gửi một thông điệp rõ ràng về mục đích tham gia của ASEAN tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định, tự do và thịnh vượng.

Nhiệm vụ tiếp theo là hỗ trợ các đối tác và các kế hoạch cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ thể chế để có thể phát triển và thực hiện các nguyên tắc chung về quản trị, tiêu chuẩn và tài trợ bền vững trong kết nối để tăng trưởng kinh tế.

Cách tiếp cận của ASEAN đối với các dự án kết nối phụ thuộc vào việc xây dựng cộng đồng và thiết lập một mạng lưới rộng rãi.

[Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là khu vực ưu tiên trong chiến lược của Mỹ]

Kết nối để tạo ra một cộng đồng ASEAN cạnh tranh và kiên cường hơn. Kế hoạch tổng thể năm 2025 cho kết nối ASEAN mở rộng tầm nhìn này để hướng tới một ASEAN tích hợp, liền mạch và toàn diện.

Các kế hoạch kết nối ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang cạnh tranh về không gian, tài nguyên, ảnh hưởng. Tìm kiếm sự hội tụ giữa các kế hoạch kết nối cạnh tranh có thể là một mục tiêu chính sách nhưng dựa trên nguyên tắc tất cả các kế hoạch phải có mục tiêu tương đồng.

Tuy nhiên, hầu hết mục tiêu trong kế hoạch kết nối của các đối tác lại khác nhau về nguồn gốc, quan hệ, nguồn lực và các ưu tiên chính trị và kinh tế.

Được công bố vào năm 2013, sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) do Trung Quốc khởi xướng, có mục tiêu bao trùm để thúc đẩy kết nối giữa các lục địa châu Á, châu Âu và châu Phi và các vùng biển lân cận.

Mục tiêu này được thực hiện bằng cách thiết lập và tăng cường quan hệ đối tác giữa các quốc gia thành viên và hiện thực hóa sự phát triển đa dạng, độc lập, cân bằng và bền vững.

Về mặt tài chính, BRI chủ yếu được hỗ trợ bởi các cam kết tài chính mạnh mẽ từ Bắc Kinh.

Ấn Độ và Nhật Bản, được sự ủng hộ của nhiều quốc gia châu Phi và châu Á, đã ra mắt Hành lang tăng trưởng châu Phi (AAGC) vào năm 2017, với mục đích tạo điều kiện và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Á và châu Phi.

Cơ chế này ưu tiên cho việc phát triển năng lực thể chế và nguồn nhân lực, kết nối các tổ chức với người dân, tạo thuận lợi cho thương mại và cải thiện công nghệ và cơ sở hạ tầng trên cả hai châu lục.

Kế hoạch Nhật Bản cho cơ sở hạ tầng chất lượng và phát triển bền vững là cơ sở của quan hệ đối tác kết nối trong khu vực. Cơ sở hạ tầng chất lượng cũng là một trong bốn trụ cột của AAGC.

Trong Hiệp định Đối tác Liên minh châu Âu-Nhật Bản về kết nối bền vững và cơ sở hạ tầng chất lượng, EU và Nhật Bản dự định hợp tác trên tất cả các khía cạnh của kết nối, song phương và đa phương, xem xét đầy đủ nhu cầu của đối tác và chú ý tối đa đến năng lực tài chính bền vững.

EU và Nhật Bản sẽ phối hợp hợp tác tương ứng về kết nối cơ sở hạ tầng chất lượng với các nước đối tác thứ ba, đặc biệt là ở các khu vực Tây Balkan, Đông Âu, Trung Á, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và châu Phi.

Sáng kiến Greater Tumen (GTI) là một cơ chế hợp tác khu vực giữa Trung Quốc, Hàn Quốc, Mông Cổ và Nga, được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc hỗ trợ.

GTI ưu tiên phát triển và hợp tác kinh tế ở Vùng Greater Tumen thông qua 8 kế hoạch cơ sở hạ tầng giao thông và mạng lưới dịch vụ giữa các nước GTI. Tương tự, Hợp tác kinh tế khu vực Trung Á cung cấp kết nối giữa Bắc và Trung Á.

Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc tập trung vào ASEAN và Ấn Độ là đối tác chính của khu vực và là ưu tiên chiến lược của Hàn Quốc.

Trong khi đó, là một đối tác quan trọng của châu Á, EU đã đưa ra "chiến lược của EU về kết nối châu Âu và châu Á" với các đề xuất và sáng kiến chính sách cụ thể.

Đây sẽ là một chiến lược quan trọng đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khi EU tìm cách cải thiện và tiêu chuẩn hóa các quy định về kết nối trên biển, trên không và trên bộ giữa châu Âu và châu Á.

Cách tiếp cận của EU đối với việc kết nối châu Âu và châu Á là bền vững, toàn diện và dựa trên các quy tắc. Các sáng kiến nhằm cải thiện kết nối giữa châu Âu và châu Á bằng cách thiết lập quan hệ đối tác để kết nối dựa trên các quy tắc và tiêu chuẩn thường được thống nhất.

Chúng cũng góp phần giải quyết các lỗ hổng đầu tư lớn thông qua việc huy động nguồn lực tài chính và tăng cường quan hệ đối tác quốc tế.

Mỹ đã khởi xướng Mạng lưới hỗ trợ và giao dịch cơ sở hạ tầng, cung cấp các chương trình nâng cao năng lực cho các đối tác.

Quy trình đánh giá dự án và năng lực thực hiện dự án, các dịch vụ tư vấn để hỗ trợ cơ sở hạ tầng bền vững và điều phối hỗ trợ của Mỹ cho cơ sở hạ tầng trong khu vực.

Quỹ tư vấn giao dịch và Ủy ban điều phối cơ sở hạ tầng toàn cầu là những công cụ mà Mỹ đã triển khai trong khu vực để hỗ trợ kỹ thuật và tài chính phát triển.

Đạo luật Sáng kiến Tái bảo đảm châu Á năm 2018, cung cấp 1,5 tỷ USD trong 5 năm cho đến năm 2023, là một phần quan trọng trong chính sách của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Nếu cấu trúc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm đảm bảo một khu vực an toàn, ổn định và thịnh vượng cho người dân, thì cần đặt sức mạnh của các kế hoạch kết nối khác nhau đằng sau các nguyên tắc chung về tài chính, mục tiêu phát triển và cơ chế quản trị.

Điều này sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp giữa các kế hoạch kết nối khác nhau trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Các quy tắc và tiêu chuẩn quản trị chung sẽ giải quyết các vấn đề về tài chính bền vững và cơ sở hạ tầng chất lượng, minh bạch trong việc chuẩn bị dự án và trách nhiệm trong thực hiện dự án.

Những thay đổi trong quản trị toàn cầu, quan hệ quốc tế, khát vọng về một nguồn nhân lực trẻ, kết nối công nghệ cũng đang thúc đẩy cách tiếp cận này. 

Nếu kết nối là chiến lược phát triển ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thì điều quan trọng là xây dựng cơ chế quản trị và một thể chế thống nhất.

Sau khi áp dụng Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ASEAN cần nhanh chóng tạo ra cơ chế hỗ trợ sự hội tụ của các kế hoạch kết nối ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương xung quanh các tiêu chuẩn, nguyên tắc chung và tài chính bền vững để đảm bảo các kế hoạch kết nối được thực hiện có hiệu quả./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục