Kết nối chưa đồng bộ nên các dự án chống ngập đạt hiệu quả không cao

Tính kết nối đồng bộ giữa các dự án chống ngập chưa tốt, các dự án triển khai còn chậm tiến độ, quy hoạch thoát nước, chống ngập không còn phù hợp với thực tế...
Kết nối chưa đồng bộ nên các dự án chống ngập đạt hiệu quả không cao ảnh 1Nhiều hạng mục cống kiểm soát triều Tân Thuận bị bỏ hoang từ nhiều tháng nay. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Tính kết nối đồng bộ giữa các dự án chống ngập chưa tốt, các dự án triển khai còn chậm tiến độ, quy hoạch thoát nước, chống ngập không còn phù hợp với thực tế... khiến hiệu quả công tác chống ngập chưa được như kỳ vọng.

Đây là những bất cập được nêu ra tại buổi giám sát của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tiến độ, hiệu quả triển khai các dự án chống ngập trên địa bàn thành phố, diễn ra ngày 13/6.

Chương trình giảm ngập nước là một trong những chương trình đột phá của Thành phố giai đoạn 2016-2020.

[Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh]

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố, từ năm 2011 đến nay, thành phố tập trung triển khai các dự án thuộc hai quy hoạch chính gồm Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước và Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng. Trong đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị thành phố đang triển khai 99 dự án và chương trình với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 32.086 tỷ đồng (90 dự án, 2 chương trình giải quyết ngập do mưa, sáu dự án giảm ngập nước do triều, một công trình kết hợp thu gom, xử lý nước thải).

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố làm chủ đầu tư một dự án thu gom, xử lý nước thải từ nguồn vốn ODA. Các quận, huyện làm chủ đầu tư các dự án giải quyết các tuyến hẻm ở quận, huyện (179 tuyến).

Qua quá trình triển khai các chương trình, dự án chống ngập, từ năm 2008 đến nay, Thành phố giảm từ 126 điểm ngập do mưa còn 18 tuyến đường trục chính ngập do mưa (giảm 85,71%); từ 95 điểm ngập do triều cường còn năm tuyến đường trục chính ngập do triều (giảm 94,73% điểm).

Ghi nhận nỗ lực và kết quả ban đầu đạt được trong công tác chống ngập, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ cho rằng vẫn còn những tồn tại cần được giải quyết. Trong đó, tiến độ và kết quả các dự án chống ngập còn chậm, vướng trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng; việc lấn chiếm kênh rạch còn nhiều, xử lý chưa quyết liệt.

Kết nối chưa đồng bộ nên các dự án chống ngập đạt hiệu quả không cao ảnh 2Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại buổi giám sát. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Một số dự án đầu tư chưa được kết nối đồng bộ với dự án thoát nước, chống ngập chung nên phát sinh ngập cục bộ ở một số khu vực, khiến hiệu quả chống ngập chưa được như kỳ vọng.

Trong khi đó, các quy hoạch đang triển khai thực hiện đã lạc hậu, không còn phù hợp với tình hình thực tế, nhưng lại chưa kịp thời cập nhật. Vì vậy, Hội đồng Nhân dân đề nghị Ủy ban Nhân dân tiếp tục quan tâm chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho các chủ đầu tư; đẩy nhanh cập nhật quy hoạch dựa trên dự báo.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố nhìn nhận Thành phố trong quá trình đô thị hóa, dân số tăng nhanh, nhưng hệ thống thoát nước lại chưa kịp đầu tư, nâng cấp, mở rộng.

Thống kê trong hai năm gần đây, tần suất và vũ lượng mưa cao nhất trong 40 năm qua; triều cường cũng đạt đỉnh cao nhất tần suất xuất hiện ngày càng tăng. Tình trạng sạt lở, lún nền đất của Thành phố cũng đang nghiêm trọng. Những điều này tác động lớn tới giải quyết bài toán chống ngập của Thành phố.

“Qua triển khai nhiều dự án, công trình, nhìn chung Thành phố không còn ngập như bảy năm về trước. Có những điểm đã được giải quyết triệt để, có dự án công trình chỉ giảm ngập, cũng có những dự án, công trình đã làm rồi nhưng chưa đồng bộ. Ví dụ, có dự án làm xong, đường không còn ngập nhưng nhà dân lại ngập. Quan điểm chung của thành phố là phải giải quyết hài hòa, có thể ngập đường trong thời gian ngắn nhưng không làm ngập nhà dân. Đây là bài toán mà thành tiếp tục nghiên cứu để đưa ra giải pháp tổng hợp để tránh tình trạng trên,” Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Võ Văn Hoan chia sẻ.

Về vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, ông Võ Văn Hoan cho biết dù thành phố đã thực hiện đơn giá bồi thường ở mức cao nhất trong khung bồi thường Chính phủ đưa ra, nhưng thực tế là vẫn cách xa so với giá thị trường. Vì vậy, Thành phố kiến nghị Trung ương điều chỉnh khung giá đền bù đất của cả nước. Trên cơ sở đó, Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ xây dựng bảng giá đền bù mới để trình Hội đồng Nhân dân.

Nhìn nhận những hạn chế, ông Võ Văn Hoan cho rằng các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X đặt ra là khó hoàn thành. Cụ thể như giảm ngập ở các trục, tuyến đường chính đạt được 60%, tuyến hẻm đạt 85%; giải quyết ngập do triều đạt được 45%; nhà máy xử lý nước đạt 21%... chưa tính đến những phát sinh mới.

Theo ông Võ Văn Hoan, bên cạnh những yếu tố khách quan tác động, công tác quản lý Nhà nước của thành phố vẫn còn hạn chế, công tác chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân còn lúng túng, tầm nhìn chiến lược của các đơn vị tham mưu chưa tốt. Quy hoạch thoát nước, chống ngập, cốt nền đều đã lạc hậu so với tình hình phát triển của thành phố. Do vậy, trong thời gian tới, Thành phố sẽ đẩy nhanh và đồng bộ việc nghiên cứu các quy hoạch. Trong điều kiện nguồn vốn nhà nước hạn chế, thành phố xác định tính ưu tiên trong bố trí ngân sách, đồng thời mở rộng kêu gọi đầu tư từ các nguồn vốn khác.

Cụ thể, nguồn vốn ngân sách sẽ tập trung cho giải phóng mặt bằng, các công trình chuyển tiếp đang làm, các công trình cấp bách và cải tạo hệ thống thoát nước; nguồn vốn xã hội hóa ưu tiên mời gọi đầu tư các nhà máy xử lý nước thải, xử lý chống ngập, hồ điều tiết...; nguồn vốn ODA ưu tiên cải tạo nạo vét các tuyến kênh chính, cống bao...; các nguồn quỹ của thành phố dành ưu tiên cải tạo hệ thống nước, đê bao, bờ kè, trục thoát nước chính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục