Kết nối cung cầu hàng hóa: Nhiều hợp đồng đã ký kết vẫn còn bị "treo"

Có hàng trăm doanh nghiệp sản xuất và phân phối đã gặp nhau trong chương trình kết nối cung-cầu, nhưng theo lãnh đạo Bộ Công Thương vẫn có tình trạng sau ký kết, nhiều hợp đồng không thực hiện được.
Kết nối cung cầu hàng hóa: Nhiều hợp đồng đã ký kết vẫn còn bị "treo" ảnh 1Chương trình kết nối cung-cầu hàng hóa tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Giáng Võ, Hà Nội. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Có hàng trăm doanh nghiệp sản xuất và phân phối đã gặp nhau trong chương trình kết nối cung-cầu, nhưng theo lãnh đạo Bộ Công Thương vẫn có tình trạng sau ký kết nhiều hợp đồng không thực hiện được.

Tại Hội nghị "kết nối cung-cầu hàng hóa giữa các cơ sở công nghiệp nông thôn với hệ thống phân phối," do Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Thành phố Hà Nội tổ chức sáng 1/10 tại Hà Nội, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh, đây là một tồn tại mà các doanh nghiệp cần khắc phục.

Nói rõ hơn, ​bà Thoa cho biết, có nhiều hàng hóa sau khi đã ký kết hợp đồng nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu của các siêu thị thậm chí không đủ nguồn hàng cho nhà phân phối do vậy thỏa thuận đã không thực hiện được.

"Đây là một vấn đề cần khắc phục và các doanh nghiệp phải đảm bảo minh bạch khi cung cấp thông tin nhằm hiện thực hóa các hợp đồng đã ký kết," Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nói.

Chia sẻ những khó khăn khi tham gia kết nối cung-cầu giữa các cơ sở sản xuất với hệ thống phân phối, ông ​Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Công ty Phúc Lâm cũng bày tỏ về những khó khăn khi tham gia chương trình kết nối cung-cầu.

Trao đổi với VietnamPlus, ông ​Thành cho biết, việc ký kết mới chỉ là một bước đệm, bởi sau ký kết còn phải thực hiện hàng loạt các yêu cầu như hàng hóa có đáp ứng tiêu chuẩn của nhà phân phối hay không, rồi chi phí bán hàng ra sao hay chiết khấu như thế nào vẫn còn là cả một chặng đường dài.

"​Để thực hiện hợp đồng còn là cả một ​vấn đề, để thành công thì đòi hỏi sự đáp ứng và thỏa mãn của cả hai phía," ông Thành nói.

Kết nối cung cầu hàng hóa: Nhiều hợp đồng đã ký kết vẫn còn bị "treo" ảnh 2Lãnh đạo Bộ Công Thương và Ủy ban Thành phố Hà Nội chủ trì chương trình kết nối cung cầu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã tạo ra một sức lan tỏa lớn, giúp kết nối và tạo ra kênh phân phối vững chắc giữa các doanh nghiệp sản xuất và phân phối trên nhiều lĩnh vực.

Chỉ tính riêng trong khuôn khổ chương trình "Tuần nhận diện hàng Việt" diễn ra từ ngày 27/9-2/10 đã có hơn 100 hợp đồng được ký kết, thông qua đó nhiều doanh nghiệp sản xuất đã tìm được đầu ra vững chắc cho sản phẩm của mình trong khi các siêu thị cũng có một nguồn hàng ổn định hơn, phục vụ hoạt động thương mại một cách lâu dài.

Chia sẻ những kinh nghiệm khi kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam, ông Naohisa Saeki, Giám đốc phụ trách mua hàng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn AEON Việt Nam cho rằng, khi mới vào Việt Nam, doanh nghiệp này đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm các đối tác cung cấp hàng hóa.

Bởi lẽ, theo đại diện AEON Việt Nam, thông tin về các nhà sản xuất có uy tín rất ít, do vậy doanh nghiệp này phải cần một bộ phận chuyên nghiệp để tìm hiểu và kết nối với nhà cung cấp sản phẩm đưa vào siêu thị.

Đại diện AEON Việt Nam cũng khẳng định, không phân biệt doanh nghiệp lớn nhỏ, chỉ cần hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và nguồn hàng là có thể tiến hành đàm phán và ký kết.

"Hầu hết các sản phẩm của Việt Nam đều đáp ứng được tiêu chuẩn mà AEON Việt Nam đưa ra, nhưng cái chính là sản phẩm đó phải hướng vào người tiêu dùng và tạo ra ý tưởng mới," ông Naohisa Saeki, Giám đốc phụ trách mua hàng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn AEON Việt Nam nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục