Kết nối là 'bài toán sống còn' khi xây dựng thành phố thông minh

Lãnh đạo VNG cho rằng, một sản phẩm đơn lẻ có thể thông minh nhưng nếu không ghép với các hạ tầng khác thì sẽ không thể tạo ra được bức tranh toàn cảnh của thành phố thông minh.
Kết nối là 'bài toán sống còn' khi xây dựng thành phố thông minh ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: medium.com)

Theo ông Vũ Minh trí, Phó Tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ đám mây của VNG, Giám đốc điều hành VinaData, một sản phẩm đơn lẻ có thể thông minh nhưng nếu không ghép với các hạ tầng khác thì sẽ không thể tạo ra được bức tranh toàn cảnh của thành phố thông minh.

[Hà Nội hướng tới thành phố thông minh dựa trên công nghệ 4.0]

Chia sẻ với báo chí bên lề Hội nghị Thượng đỉnh về thành phố thông minh ASOCIO 2018 – Hà Nội, ông Trí cho hay việc kết nối này không chỉ có các hạ tầng và nền tảng, mà các cơ sở dữ liệu, các ứng dụng chạy trên hạ tầng đó cũng cần kết nối, liên thông với nhau để các thành phố có thể tối ưu hóa nguồn lực.

“VNG sẽ tập trung vào các giải pháp đám mây để có thể giải quyết triệt để những bài toán nhức nhối của sự phát triển đô thị như tắc nghẽn giao thông, chất lượng điện/nước sinh hoạt, rác thải ô nhiễm, giáo dục…,” ông Trí nói.

Trong khi đó, ông David Wong, Chủ tịch Tổ chức công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) cho hay, trong báo cáo 2017, ASOCIO đã đề cập về xu hướng xây dựng Thành phố Thông minh (Smart City) là chủ đạo trong trong quá trình chuyển đổi số ở châu Á. Vì vậy, cần đặt ra vấn đề giữa các thành phố này phải kết nối với nhau để thông minh hơn. Thành phố thông minh không chỉ kết nối với nhau về mặt số mà còn để giải quyết được những vấn đề bức xúc của đô thị hóa.

“Tôi muốn nói rằng, khi chuyển đổi sang một Thành phố Thông minh, chúng ta cần phải hợp tác với nhau, để biết xu hướng và cách làm,” ông David Wong nói.

Chia sẻ về quan điểm khi làm Smart City, ông Vũ Minh Trí cho hay, có hai góc độ. Ở góc độ người dùng, có ý kiến cho rằng cần phải đào tạo người dân thông minh hơn để sử dụng. Thế nhưng, quan điểm của VNG khi xây dựng Smart City phải bảo đảm yếu tố con người bình thường vẫn có thể dùng được.

Trong khi đó, ở góc độ người xây dựng cần phải nhìn từ dưới lên, phải kết nối các hạ tầng, cơ sở dữ liệu và tiến hành phân tích, liên tục thu thập thông tin. Ông Trí đưa ra một ví dụ như người dân dùng Zalo nhắn tin về hiện tượng thời tiết (mưa bão), thay vì con người sẽ xử lý thì trí tuệ nhân tạo sẽ phân tích, lấy tọa độ của người nhắn tin rồi gửi về cho đơn vị điều hành của địa phương đó để xử lý.

Cũng theo ông Trí, với tình hình ở Việt Nam, việc xây dựng Smart City không nên dập khuôn mà cần căn cứ vào nhu cầu của từng địa phương. Điều này, đòi hỏi các địa phương phải đưa ra bức tranh lớn và lựa chọn giải quyết các vấn đề cấp bách…

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghệ cần ngồi lại với nhau theo hướng liên minh xây dựng một hệ sinh thái để phát triển các ứng dụng cho Smart City để tránh manh mún, kém hiệu quả./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục