Kết nối máy tính để tạo năng lượng xanh

Những người có máy tính cá nhân nhưng ít sử dụng giờ đây có thể giúp các nhà khoa học phát triển một nguồn năng lượng xanh mới với chi phí thấp.

Những người có máy tính cá nhân nhưng ít sử dụng giờ đây có thể giúp các nhà khoa học phát triển một nguồn năng lượng xanh mới với chi phí thấp.

Các nhà khoa học thuộc Đại học Harvard (Mỹ) và tập đoàn IBM mới đây đã phát động một dự án kết nối máy tính của các tình nguyện viên trên khắp thế giới để thực hiện những phép tính kiểm tra đối với hàng chục nghìn hợp chất nhằm tìm ra một hợp chất hữu cơ thích hợp để chế tạo những tế bào năng lượng mặt trời bằng chất dẻo với chi phí thấp hơn so với loại được tạo ra bằng công nghệ silicon, hiện đang được sử dụng để chuyển ánh sáng mặt trời thành điện năng.

Những người tham gia sẽ tải một chương trình phần mềm xuống máy tính cá nhân của mình. Chương trình này sẽ chạy các phép tính khi màn hình chờ trên máy tính xuất hiện. IBM cũng đã cung cấp phần mềm an ninh để bảo vệ máy tính của các thành viên.

Nếu dự án này thành công, thời gian nghiên cứu ước tính sẽ giảm từ 22 năm rút xuống chỉ còn 2 năm.

Hiện các tế bào năng lượng mặt trời quang điện có lớp chặn dựa trên công nghệ silicon phải chuyển hóa tới 20% năng lượng từ ánh sáng Mặt Trời để thành điện năng. Trong khi đó, với công nghệ mới, các tế bào hữu cơ chỉ cần chuyển hóa khoảng 5% năng lượng mặt trời để chuyển hóa thành nguồn năng lượng có thể ứng dụng được.

Trước đó, IBM cũng đã phát triển mạng World Community Grid để thúc đẩy nghiên cứu về các dự án nhân đạo như chống ung thư, sốt xuất huyết và AIDS. Hệ thống này liên kết các máy tính tại nhà riêng hoặc văn phòng thông qua mạng Internet với chương trình dựa trên cấu hình của mỗi máy để chạy các phép tính và phản hồi dữ liệu. Theo kỹ sư IBM Joe Jasinki, "đây là cách để mọi người có thể sử dụng máy tính vì mục đích tốt đẹp cho thế giới".

Đã có hơn 1 triệu người tình nguyện kết nối với World Community Grid. Theo IBM, với mạng liên kết này, họ đã tạo ra một hệ thống máy tính với khả năng tính toán cực lớn có thể xếp vào tốp 10 siêu máy tính mạnh nhất thế giới hiện nay.

Hiện nhiều mạng hệ thống gần tương tự như vậy cũng đã được thiết lập để nghiên cứu dữ liệu cho nhiều dự án khác, như chương trình SEIT tách tín hiệu thiên văn sóng vô tuyến để phát hiện sự sống ngoài Trái Đất trong vũ trụ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục