Kết nối Năng lượng Toàn cầu: Trung Quốc sẽ nắm giữ lưới điện thế giới?

Như một sự bổ sung cho sáng kiến "Vành đai và Con đường", Bắc Kinh đang thúc đẩy “Kết nối Năng lượng Toàn cầu” - tầm nhìn về lưới điện rộng khắp thế giới với tổng số vốn đầu tư hàng ngàn tỷ USD.
Kết nối Năng lượng Toàn cầu: Trung Quốc sẽ nắm giữ lưới điện thế giới? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Xinhua)

Theo Nikkei Asia Review, đầu tháng 2/2020, Thượng nghị sỹ Sherwin Gatchalian đã chủ trì cuộc điều tra về các rủi ro an ninh tiềm tàng xuất phát từ việc Trung Quốc sở hữu một phần công ty điều hành lưới điện của Philippines.

Philippines không phải là quốc gia duy nhất dựa vào nguồn điện của Trung Quốc. Như một sự bổ sung cho sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI), Bắc Kinh đang thúc đẩy cái mà nước này gọi là “Kết nối Năng lượng Toàn cầu” - tầm nhìn về lưới điện rộng khắp thế giới với tổng số vốn đầu tư lên tới hàng ngàn tỷ USD.

Trung Quốc đã có hàng loạt đường dây điện kết nối với các quốc gia khác, trong đó có Myanmar và Lào trong khi các đường dây điện kết nối với Thái Lan, Pakistan và Bangladesh cũng đang được xem xét.

Đối với các nền kinh tế mới nổi đang phải vật lộn với căn bệnh thiếu điện kinh niên, các khoản đầu tư như vậy có thể là một điều may mắn. Tuy nhiên, những người chỉ trích lại lo ngại rằng sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong các lưới điện ở khu vực có thể sẽ khiến các quốc gia đối tác dễ bị tổn thương.

Năm 2015, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra sáng kiến Kết nối Năng lượng Toàn cầu tại Hội nghị thượng đỉnh về Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc như một biện pháp nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng sạch của thế giới.

Cũng giống như BRI, Trung Quốc đưa ra khái niệm tất cả mọi người đều có lợi. Trên trang web của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kết nối Năng lượng Toàn cầu (GEIDCO), cơ quan thúc đẩy sáng kiến này, nêu rõ sáng kiến giúp tăng cường sự tin cậy lẫn nhau về chính trị và tạo ra một hình mẫu mới về an ninh năng lượng với những nét đặc trưng là hợp tác, cùng có lợi và mang lại kết quả có lợi cho tất cả các bên.

Trên thực tế, sáng kiến trên không phải mới. Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã kết nối các lưới điện với nhau, trong khi Viện Năng lượng Tái tạo, do Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn SoftBank Masayoshi Son sáng lập, đã từng đưa ra đề xuất thiết lập hệ thống kết nối lưới điện của các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mông Cổ và Nga.

[Mỹ phê duyệt dự án năng lượng Mặt Trời khổng lồ ở Nevada]

Tuy nhiên, sáng kiến Kết nối Năng lượng Toàn cầu lại trùng hợp với nỗ lực lớn hơn nhằm xây dựng hạ tầng trải dài từ châu Á tới châu Âu.

Ông Tomas Kaberger, Chủ tịch Viện Năng lượng Tái tạo và là cố vấn cao cấp của GEIDCO, tin rằng các lưới điện kết nối với nhau có ý nghĩa về mặt kinh tế và chắc chắn sẽ lan rộng. Ông nói: “Nó giống như các hệ thống đường ray tàu điện và các hệ thống viễn thông (đang phát triển) từng bước, từng bước, nhưng vào một ngày nào đó, tất cả các hệ thống này sẽ kết nối lại với nhau.”

Trung Quốc đang chuyển hướng đầu tư cho sáng kiến này. Theo tập đoàn tư vấn RWR có trụ sở ở Washington, trong giai đoạn từ tháng 3/2018 đến tháng 12/2019, các công ty Trung Quốc đã công bố 35 dự án truyền tải điện mới ở ngoài Trung Quốc, cùng với hàng chục dự án phát điện.

Trong báo cáo công bố năm ngoái, GEIDCO ước tính tổng số vốn đầu tư vào nguồn điện và lưới điện ở các quốc gia thuộc sáng kiến "Vành đai và Con đường" ước đạt 27.000 tỷ USD vào năm 2050.

Một trong những nhân tố đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi sáng kiến này là Tập đoàn Lưới điện Quốc doanh Trung Quốc (SGCC). Với những hậu thuẫn về tài chính từ Bắc Kinh, tập đoàn quốc doanh này đã giành nhiều hợp đồng và đưa thêm nhiều công ty Trung Quốc khác tham gia vào sáng kiến này.

SGCC đã xây dựng các lưới điện kết nối Trung Quốc với Nga, Mông Cổ, Myanmar và Lào, đồng thời rót vốn đầu tư vào các công ty điều hành lưới điện ở một số quốc gia châu Âu như Bồ Đào Nha và Italy.

Nhiều năm trước khi Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra sáng kiến Kết nối Năng lượng Toàn cầu tại Liên hợp quốc, năm 2007, SGCC đã giành quyền tham gia vào việc vận hành lưới điện ở Philippines.

Đây là một trong những động thái quan trọng đầu tiên của SGCC ở nước ngoài. SGCC đã hợp tác với các nhà tài phiệt Philippines để thành lập Tập đoàn Lưới điện Quốc gia Philippines (NGCP) vào năm 2009.

Hợp đồng có thời hạn 25 năm này, đi kèm điều khoản có thể gia hạn thêm 25 năm nữa, cho phép SGCC nắm giữ 40% cổ phần của NGCP - tỷ lệ cổ phần tối đa mà các nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu trong một công ty quốc doanh ở quốc gia Đông Nam Á này.

Tập đoàn Truyền tải Quốc gia (TransCo) của Chính phủ Philippines, vẫn sở hữu các tài sản liên quan tới việc truyền tải điện. Tuy nhiên, TransCo cho biết NGCP đã lắp đặt các thiết bị Trung Quốc, trong đó có một số thiết bị của tập đoàn viễn thông Huawei Technologies, trong hệ thống truyền tải này.

Bên cạnh đó, NGCP cũng bổ nhiệm người Trung Quốc vào ban điều hành, trong đó có vị trí Giám đốc Công nghệ, bất chấp Hiến pháp đã quy định cấm điều này.

Một số chuyên gia cho rằng nỗ lực gần đây nhằm thúc đẩy công nghệ “vạn vật kết nối trong lĩnh vực năng lượng” (power Internet of things) của SGCC (đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông vào ngành điện) cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc có thể không cần phải kiểm soát nhiều cơ sở hạ tầng hữu hình để tác động tới các nguồn cung điện năng.

Thay vào đó, theo chuyên gia phân tích Claire Chu của tập đoàn tư vấn RWR, Trung Quốc có thể sẽ đạt được mục tiêu kết nối các hệ thống phân phối năng lượng khu vực với nhau… thông qua việc triển khai các giải pháp công nghệ toàn diện của Trung Quốc trong lĩnh vực điện năng trên toàn cầu như các đồng hồ đo điện thông minh, các hệ thống liên lạc và quản lý dữ liệu.

Chính vì vậy, bà Chu nhấn mạnh việc sử công nghệ thông tin và viễn thông trong lĩnh vực điện năng đang làm gia tăng các rủi ro về an ninh.

Hồi tháng 12 năm ngoái, Bộ trưởng Năng lượng Philippines Alfonso Cusi đã đưa ra một câu hỏi khá hóc búa: Liệu Trung Quốc có thể “thực sự đóng” lưới điện của quốc gia này?

Ông Cusi nói rằng, trong giai đoạn kỹ thuật số hiện nay bất cứ điều gì và trên thực tế, mọi thứ đều có thể điều khiển từ xa, "bạn có thể khởi động xe ô tô đang đỗ ở bãi để xe và bật điều hòa, bạn có thể khóa và mở khóa xe.”

Trong một phiên điều trần hồi tháng 2/2020, Thượng nghị sỹ đối lập Risa Hontiveros cũng lên tiếng cảnh báo về việc SGCC nắm giữ cổ phần của công ty vận hành lưới điện của nước này. Đề cập tới luật thông tin tình báo quốc gia của Trung Quốc, nghị sỹ này nói: “Họ bị ràng buộc bởi luật pháp phải thu thập thông tin tình báo và báo cáo cho Chính phủ Trung Quốc nếu được yêu cầu và họ có thể không từ chối.”

Ở phương Tây, sự công kích nhằm vào "người khổng lồ" công nghệ Huawei do Tổng thống Mỹ Donald Trump dẫn dắt đang tập trung vào sự hoài nghi về những ý đồ của Trung Quốc.

Và các chính trị gia Mỹ từ lâu đã có những quan ngại về sự an toàn của hệ thống lưới điện. Bà Chu cho biết: “Trong nhiều năm qua, các luật sư và chuyên gia ở Washington đã tham gia vào các cuộc thảo luận về vấn đề an ninh của lưới điện.”

Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm 2020, được ký tháng 12 năm ngoái, đã đề cập tới chiến lược quốc gia nhằm bảo đảm an toàn cho hệ thống điện trước các cuộc tấn công mạng.

Ngoài vấn đề an ninh, cũng cần xem xét các vấn đề về cạnh tranh. Chỉ sau khi Huawei nhanh chóng nổi lên thành tập đoàn viễn thông hùng mạnh, các công ty năng lượng của Trung Quốc đã có lợi thế trên thị trường toàn cầu.

Ông Yobun Inoue, một điều phối viên cao cấp tại Viện Kinh tế Năng lượng của Nhật Bản, nói: “Việc nắm giữ các lưới điện giúp (SGCC) có thêm nhiều thông tin về cung-cầu năng lượng của một quốc gia.” Điều này có thể dẫn tới các hợp đồng khác như hợp đồng xây dựng các nhà máy điện.

Nhu cầu điện năng của Trung Quốc đã thúc đẩy các khoản đầu tư lớn vào hạ tầng trong nước trong những năm qua. Theo IEEJ, trong giai đoạn 2013-2018, chi tiêu vào các hệ thống năng lượng và lưới điện đã tăng gần 40% lên 534 tỷ NDT (76,42 tỷ USD).

Chuyên gia Kaberger cho biết trong những năm qua, những khoản đầu tư lớn vào các dự án truyền tải tiên tiến nhất trên thế giới là ở Trung Quốc. Giờ đây, Trung Quốc hy vọng sử dụng các kiến thức công nghệ của mình để đặt ra các tiêu chuẩn quốc tế.

Một trọng tâm là công nghệ điện áp cực cao (UHV), cho phép truyền tải điện trong khoảng cách dài với tổn thất năng lượng tối thiểu. Ở Brazil, tiêu chuẩn truyền tải UHV của Trung Quốc đã được sử dụng cho đường dây tải điện Belo Monte có chiều dài 2.538km từ tháng 10/2019.

Trong khi đó, tại Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế, Trung Quốc đã có tiếng nói lớn hơn trong các cuộc thảo luận về vấn đề kỹ thuật và chủ trì hàng loạt nhóm công tác về vấn đề tiêu chuẩn hóa.

Trả lời phỏng vấn phương tiện truyền thông Nhà nước hồi năm 2017, ông Shu Yinbiao, Chủ tịch SGCC khi đó, cho biết “các thành tựu trong việc tiêu chuẩn hóa cho phép chúng tôi tham gia” vào sáng kiến BRI.

Một báo cáo của tập đoàn tư vấn RWR cảnh báo rằng việc tiêu chuẩn hóa sẽ dẫn tới “phụ thuộc của thế giới vào Trung Quốc với tư cách nước đi đầu trong việc kiểm soát các công nghệ điện lực chủ chốt…, và không nghi ngờ gì điều này sẽ mang lại những hậu quả về mặt chiến lược.”

Tuy nhiên, một số người trong ngành này lại cho rằng các quan ngại đó đã bị thổi phồng quá mức. Eiichi Zaima, cố vấn nghiên cứu cho Viện Nghiên cứu Trung ương về Điện lực, nói: “Vào thời điểm này, không có bất cứ công nghệ nào mà chỉ có công ty Trung Quốc sở hữu.”

Chuyên gia Kaberger nhất trí rằng ngành điện mang lại các cơ hội ngang nhau cho tất cả những người chơi khác. Trung Quốc chỉ nhanh chóng nắm bắt các cơ hội đó.

Ông nhấn mạnh Kết nối Năng lượng Toàn cầu không phải là ý tưởng của riêng Trung Quốc mà các nước khác không thể học hỏi. Chỉ có một rủi ro đó là Trung Quốc sẽ kiểm soát sự phát triển “nếu các quốc gia khác không tham gia vào sáng kiến này”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục