Kết nối nhà đầu tư: Bài toán sống còn với hệ sinh thái khởi nghiệp

Ngoài việc chính sách của Nhà nước thông thoáng, các star-tup phải nỗ lực hơn trong việc trau dồi ngoại ngữ, chuẩn bị kỹ càng kiến thức… để có thể gọi vốn từ nhà đầu tư nước ngoài thành công.
Kết nối nhà đầu tư: Bài toán sống còn với hệ sinh thái khởi nghiệp ảnh 1Ông Phạm Dũng Nam cho hay, hết năm 2017 có khoảng 40 quỹ đầu tư có hoạt động tại Việt Nam. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, việc kết nối với các nhà đầu tư - đặc biệt là nhà đầu tư quốc tế là rất quan trọng. Thế nhưng, bên cạnh việc chính sách của Nhà nước thông thoáng, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (start-up) phải nỗ lực hơn trong việc trau dồi ngoại ngữ, chuẩn bị kỹ càng kiến thức… để có thể gọi vốn thành công.

Sức hút từ start-up Việt

Tại Hội thảo “Bàn giải pháp thu hút nguồn lực trong nước và quốc tế cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam,” ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc văn phòng Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) cho hay, Việt Nam hiện có khoảng 3.000 start-up. Con số này tăng gần gấp đôi so với số liệu ước tính vào năm 2015 (khoảng 1.800 doanh nghiệp).

[Kết nối nhà đầu tư: Bài toán sống còn với hệ sinh thái khởi nghiệp]

Bên cạnh đó, số lượng và chất lượng của các start-up ngày càng tăng cao, thể hiện qua số lượng các thương vụ đầu tư, số lượng vườn ươm, khu làm việc chung…

Dẫn thống kê của Topica Foun2der Institude, ông Nam cho biết năm 2017, Việt Nam tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo với tổng số hơn 291 triệu USD, tăng gần gấp đôi về mặt số lượng và gần 50% về mặt tổng số vốn đầu tư so năm 2016 (50 thương vụ với 205 triệu USD).

Ông Nam chia sẻ một số cái tên nổi bật như Kyber Network – nền tảng giao dịch phân cấp mới dựa trên công nghệ chuỗi khối; Foody – mạng xã hội kết nối chia sẻ ẩm thực…

Cũng theo ông Nam, hoạt động đầu tư cho start-up có sự tăng trưởng và bài bản. Hết năm 2017, có khoảng 40 quỹ đầu tư có hoạt động tại Việt Nam) và phần lớn trong đó là các quỹ đầu tư nước ngoài).

Trong số này, một số quỹ có văn phòng ở Việt Nam như IDG Ventures, CyberAgent Ventures, DJF-VinaCapital, 500 Startups. Ngoài ra, có những quỹ đầu tư doanh nghiệp tư nhân không tập trung đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhưng có đầu tư vào giai đoạn chuyển tiếp từ startup thành doanh nghiệp trưởng thành như Quỹ Mekong Capital, Dragon Capital, VinaCapital…

“Thời gian qua cũng chứng kiến sự tham gia của nhiều tập đoàn, công ty lớn của Việt Nam thành lập quỹ đầu tư cho doanh nghiệp như Quỹ sáng tạo CMC, FPT Ventures, Viettel Ventures…,” ông Nam nói.

Theo bà Phan Hoàng Lan (Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ - NATEC), sự hiện diện của các nhà đầu tư quốc tế ở Việt Nam là rất lớn. Điều này thể hiện qua việc các khoản vốn lớn nhất năm 2017 đều đến từ các nhà đầu tư này.

Ví dụ như Foody, 2 Undisclosed dea đã được Sea Group đầu tư 64 triệu USD và 50 triệu USD; Tiki được DJ.COM STIC Investment đầu tư 54 triệu USD, Vntrip được Hendale Capital đầu tư 10 triệu USD…

“Số lượng giao dịch có sự tham gia của nhà đầu tư quốc tế chiếm hơn 30%, nhưng giá trị đầu tư từ quốc tế gấp hơn lần so với đầu tư trong nước,” bà Lan nói.

Kết nối nhà đầu tư: Bài toán sống còn với hệ sinh thái khởi nghiệp ảnh 2Giới thiệu công nghệ mới cho khách thăm quan tại Diễn đàn Cấp cao công nghệ thông tin-truyền thông Việt Nam. (Nguồn: CTV/Vietnam+)

Kết nối với hệ sinh thái quốc tế thế nào?

Những con số trên dù cho thấy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Thế nhưng, theo các chuyên gia, việc kết nối với hệ sinh thái quốc tế là rất quan trọng, đặc biệt khi các start-up Việt đang ngày càng hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.

Bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh, Quản lý và là đồng sáng lập của KisStartup cho hay, một trong những rào cản của start-up Việt trong việc gọi vốn từ nhà đầu tư quốc tế chính là ngôn ngữ (tiếng Anh).

Bên cạnh đó, các start-up cần chuẩn bị đầy đủ tài liệu, hồ sơ khi khi đến gặp nhà đầu tư để tránh lãng phí thời gian tìm hiểu; Phải có phản hồi nhanh chóng với nhà đầu tư khi họ quan tâm đến dự án đó. Đặc biệt, các start-up phải thuyết trình được mô hình kinh doanh của mình là gì bởi đây là câu hỏi quan trọng để có thể nhận được đầu tư…

Theo bà Phan Hoàng Lan, thời gian qua, NATEC đã phối hợp với Văn phòng Đề án 844 hỗ trợ quảng bá và giới thiệu các startup tiêu biểu tham gia các diễn đàn kết nối với kiều bào, tri thức quốc tế; kết nối quốc tế qua các vườn ươm, cơ sở thúc đẩy kinh doanh, đại sứ quán...

Ông Phạm Dũng Nam thì cho hay, thời gian tới, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đề án 844 là hướng tới mở rộng kết nối vùng, liên vùng, quốc gia và quốc tế để thu hút nguồn nhân lực, nhân lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tới Việt Nam. Bên cạnh đó, nhà chức trách cũng xây dựng chính sách thị thực cho cá nhân người nước ngoài tới Việt Nam làm startup, đầu tư và tìm kiếm cơ hội đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục