Kết quả bầu cử là một phép thử lớn đối với nền dân chủ của Hàn Quốc

Kết quả bầu cử là một phép thử lớn với nền dân chủ của Hàn Quốc

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol có cả cơ hội và thách thức để cải cách nhiệm kỳ tổng thống ở Hàn Quốc; kết quả của cuộc bầu cử là một phép thử lớn đối với nền dân chủ của Hàn Quốc.
Kết quả bầu cử là một phép thử lớn với nền dân chủ của Hàn Quốc ảnh 1Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol phát biểu tại cuộc họp ở Seoul ngày 29/3/2022. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Trang mạng thediplomat.com đưa tin, đầu tháng Ba vừa qua, người dân Hàn Quốc đã bầu chọn ông Yoon Suk-yeol của Đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) làm tổng thống tiếp theo, với tỷ lệ chênh lệch chưa đầy 1% so với ứng cử viên về thứ hai.

Cuộc bầu cử gây tranh cãi lần này đầy rẫy những bê bối và chiến dịch bôi nhọ. Các cử tri Hàn Quốc rất phẫn nộ trước việc họ buộc phải lựa chọn giữa hai ứng cử viên không được ưa thích. Hơn nữa, các chiến dịch tranh cử đã bộc lộ - hoặc thúc đẩy - sự chia rẽ xã hội sâu sắc trong nước.

Ông Yoon Suk-yeol có cả cơ hội và thách thức để cải cách nhiệm kỳ tổng thống ở Hàn Quốc. Kết quả của cuộc bầu cử là một phép thử lớn đối với nền dân chủ của Hàn Quốc.

Để ngăn chặn sự tụt lùi của nền dân chủ và thúc đẩy sự “thay đổi chế độ” mà ông đã cam kết trong chiến dịch bầu cử của mình, Tổng thống Yoon Suk-yeol có hai nhiệm vụ quan trọng đối với nền chính trị trong nước: cải thiện rạn nứt xã hội mới nổi lên và tiến hành các thay đổi thể chế để ngăn chặn - chứ không chỉ dừng lại ở việc trừng phạt - nạn tham nhũng.

Nền chính trị bè phái và chia rẽ xã hội

Đầu tiên, Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol sẽ cần phải giải quyết rạn nứt chính trị ngày càng gia tăng của Hàn Quốc. Trong lịch sử, cử tri Hàn Quốc bị chia rẽ theo khu vực. Chủ nghĩa đảng phái khu vực có nguồn gốc từ sự cai trị độc tài của bà Park Chung-hee (từ năm 1963-1979), người đã thu hút sự ủng hộ từ quê nhà của ông là khu vực Yeongnam, gồm các tỉnh ở phía Đông Nam.

[Truyền thông Hàn Quốc khuyến nghị chính sách đối ngoại với Tổng thống] 

Trong khi đó, những người phản đối bà Park Chung-hee và các nền tảng tiến bộ của phong trào dân chủ hóa đã tập hợp tại khu vực Honam, gồm các tỉnh ở phía Tây Nam. "Sự phân chia Nam-Nam” này cũng đã xuất hiện trong cuộc bầu cử 2022, đặc biệt là ở các cử tri trên 40 tuổi.

Tuy nhiên, sự chia rẽ được thể hiện rõ hơn bởi sự khác biệt giữa các thế hệ và giới tính. Sự xung đột về giới cho thấy rằng các vấn đề về giới cần được giải quyết đối với cả nam và nữ. Đối với những thanh niên Hàn Quốc ngoài 20 tuổi, sự ủng hộ của họ dành cho hai ứng cử viên chính là khác nhau giữa nam và nữ. Khoảng 60% nữ giới Thế hệ Z ủng hộ ứng cử viên Lee Jae-myung của Đảng Dân chủ, trong khi 60% nam giới ủng hộ ông Yoon Suk-yeol.

Một trong những cam kết gây tranh cãi hơn của ông Yoon Suk-yeol là giải tán Bộ Bình đẳng giới và Gia đình. Ông Yoon Suk-yeol đã thành công trong việc thu hút sự ủng hộ của nam giới trẻ tuổi, giống với Chủ tịch PPP Lee Jun-seok. Nam giới Hàn Quốc ở độ tuổi ngoài 20 và 30 đã cùng nhau chống lại cái mà họ cho là “phân biệt đối xử ngược” xuất phát từ chủ nghĩa nữ quyền và các chính sách tập trung vào phụ nữ.

Mặc dù ông Lee Jae-myung đã thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống, song Đảng Dân chủ vẫn giữ quyền kiểm soát Quốc hội. Mặc dù cơ quan hành pháp có quyền hoạch định chính sách bên ngoài và bên trong cơ quan lập pháp, nhưng ông Yoon Suk-yeol vẫn cần Quốc hội phê duyệt để giải thể bộ này. Và mặc dù đề xuất nhận được nhiều sự chú ý vào tháng 1 và tháng 2/2022, nhưng chỉ một tuần sau cuộc bầu cử, đề xuất này đã vấp phải sự phản đối ngay cả trong chính đảng của ông.

Tham nhũng chính trị: Cải cách hay Trừng phạt?

Thứ hai, ông Yoon Suk-yeol cần có được lòng tin của công chúng bằng cách thực hiện cam kết hàn gắn vết thương của đất nước. Trong bài phát biểu chiến thắng, ông sử dụng một giọng điệu ôn hòa: “Sự cạnh tranh của chúng ta đã kết thúc… Chúng ta phải chung tay đoàn kết vì người dân và đất nước.”

Kết quả bầu cử là một phép thử lớn với nền dân chủ của Hàn Quốc ảnh 2Ngày 10/3/2022, ứng cử viên Yoon Suk-yeol của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống thứ 20 của Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Yoon Suk-yeol là một người mới tham gia chính trị. Trước đó, ông là một công tố viên lâu năm trong nghề. Ông đã đóng vai trò quan trọng trong một số vụ án nổi tiếng, bao gồm nỗ lực của Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc nhằm tác động đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2012 và việc luận tội cựu Tổng thống Park Geun-hye năm 2017. Ông Yoon Suk-yeol đã điều tra các quan chức trong nội các của ông Moon Jae-in, trong đó bao gồm cả cố vấn thân cận của ông kiêm Bộ trưởng Tư pháp Cho Kuk.

Nạn tham nhũng chiếm một phần không nhỏ trong lịch sử đương đại của Hàn Quốc. Tất cả các tổng thống kể từ khi Hàn Quốc dân chủ hóa vào năm 1987 đều dính líu đến các vụ bê bối tham nhũng hoặc hối lộ. Tuy nhiên, chiến lược của Hàn Quốc có xu hướng nhắm vào các đối tượng riêng lẻ thay vì giải quyết những khúc mắc trong cấu trúc và thể chế, vốn không chỉ cho phép mà còn khuyến khích tham nhũng và thái độ “hai mặt.”

Nhiều người ở Hàn Quốc coi ông Yoon Suk-yeol, cựu công tố viên, là biểu tượng của công lý và sự công bằng sau nhiều thập kỷ bê bối, dối trá và tham nhũng.

Chiến dịch tranh cử của ông Yoon Suk-yeol đã cam kết điều tra những hành vi bị cáo buộc là sai trái của chính quyền ông Moon Jae-in - một cam kết đã thu hút sự ủng hộ từ những người ủng hộ ông và làm dấy lên hồi chuông cảnh báo trong đảng cầm quyền.

Tổng thống Yoon Suk-yeol sẽ phải hành động một cách cân bằng, giữa việc điều tra những trường hợp tham nhũng cụ thể và sử dụng các chiến dịch chống tham nhũng làm vỏ bọc để trừng phạt các đối thủ chính trị trước đây của ông.

Nền dân chủ Hàn Quốc trong tương lai

Có một điều chắc chắn rằng vị thế của Hàn Quốc với tư cách là một nền dân chủ vẫn ở trong tình trạng tốt. Hơn 77% người dân Hàn Quốc đủ điều kiện đã bỏ phiếu trong cuộc bầu cử ngày 9/3, tỷ lệ cao thứ hai kể từ khi Hàn Quốc dân chủ hóa (và chỉ kém kỷ lục 77,2% số cử tri đi bầu năm 2017). Tuy nhiên, các học giả cho rằng trong vòng hơn một thập kỷ qua, các đặc điểm quan trọng khác của nền dân chủ Hàn Quốc đã bị suy giảm, bao gồm quyền tự do ngôn luận, các ràng buộc của cơ quan tư pháp đối với cơ quan hành pháp và sự suy giảm của xã hội dân sự.

Sau vụ luận tội Tổng thống Park Geun-hye vào năm 2017, một câu hỏi đặt ra cho nền dân chủ Hàn Quốc vào thời điểm đó là có phải bà Park Geun-hye là “kẻ bung xung” cho tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực, hay liệu việc luận tội bà có dẫn đến cải cách thể chế lớn hơn nhằm kiểm soát quyền lực của tổng thống hay không. Về nhiều mặt, 5 năm sau, Hàn Quốc đang quay trở lại với những rủi ro tương tự./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục