Kết quả "hỗn hợp" của gói kích thích 787 tỷ USD

Các nhà kinh tế Mỹ đang đặt câu hỏi về tính hiệu quả của gói kích thích kinh tế của chính phủ Mỹ và liệu khoản tiền 787 tỷ USD đã tạo được đà phát triển, sự sụp đổ, hay là ở giữa hai trạng thái này.

Bà Amy Liu, phó giám đốc Chương trình Chính sách Đô thị Brookings, đang theo dõi sự phục hồi của 100 khu vực kinh tế thuộc các thành phố Mỹ, nói: "Gói kích thích này là gói hỗn hợp và đó là lý do chúng ta có được kết quả hỗn hợp".
Sáu tháng sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama ký Đạo luật phục hồi (Recovery Act) nhằm thúc đẩy kinh tế và giảm tỷ lệ thất nghiệp, các nhà kinh tế đang đặt câu hỏi về tính hiệu quả của gói kích thích kinh tế và liệu khoản tiền 787 tỷ USD đã tạo được đà phát triển, sự sụp đổ, hay là ở giữa hai trạng thái này?

Chính quyền Obama đang loan báo thành công của Recovery Act, trích dẫn những báo cáo gần đây cho thấy tốc độ suy giảm kinh tế đang chậm lại. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao, lên tới 9% trong quý I/09 và 9,4% trong tháng 7.

Thành viên cao cấp Barry Bosworth của Brookings Institution nhận xét: "Tin tốt là sự suy thoái sắp kết thúc còn tin xấu là chính phủ chưa làm được nhiều với gói kích thích đó". Theo ông, phải mất hàng tháng khoản tiền trên mới phát huy tác dụng. Nhiều dự án công trình công cộng mà ông Obama nói đã sẵn sàng để bắt đầu khi nhận được tiền, vẫn chưa được hiện thực hóa.

Mặc dù gói kích thích này mới phát huy rất ít tác dụng trong việc thúc đẩy đầu tư kinh doanh, nhưng nếu không có nguồn tiền được nhiều nhà kinh tế cho rằng sẽ đưa nền kinh tế thoát "vũng lầy", một số thứ sẽ còn tồi tệ hơn.

Tuy nhiên, không phải tất cả người Mỹ đều tin rằng gói kích thích này là tích cực. Theo kết quả thăm dò ý kiến do Gallup/USA Today thực hiện gần đây, khoảng 57% số người được hỏi cho rằng gói kích thích 787 tỷ USD phát huy ít hiệu quả. Chỉ 18% trong số họ cho biết gói chi tiêu đã cải thiện đời sống, còn 60% nói họ nghi ngờ khả năng gói kích thích sẽ giúp ích cho nền kinh tế trong những năm tới.

Gói kích thích này đã chuyển trọng tâm từ mục tiêu ban đầu đưa đất nước ra khỏi tình trạng suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua sang phát triển kinh tế dài hạn, điều mà Bosworth cho rằng "thật đáng thất vọng".

Các phương tiện truyền thông địa phương từ California đến East Coast nói rằng kết quả của gói kích thích này là "hỗn hợp", với một số cộng đồng nhận thấy lợi ích từ Recovery Act, còn một số khác chẳng cảm thấy gì. Trong khi theo Recovery.gov, trang web do chính quyền Obama quản lý, Recovery Act gồm 499 tỷ USD chi tiêu mới và 288 tỷ USD cắt giảm thuế, nhưng mới chỉ chi tiêu 77 tỷ USD.

Các chuyên gia lưu ý nhiều dự án vẫn đang trong giai đoạn lên kế hoạch và sẽ mất một thời gian mới có thể bắt đầu. Trong khi một số bang chưa nhận được một xu nào từ gói kích thích, một số bang khác lại giành lấy từng USD được phân cho họ.

Grover J. "Russ" Whitehurst, chuyên gia cao cấp tại Brookings Institution, cho biết Bộ Giáo dục Mỹ đã nhận được 13 tỷ USD từ gói kích thích nhưng chi rất ít. Theo ông, khoản tiền bổ sung này đã giúp các trường duy trì số nhân viên mà đáng lẽ họ đã bị đuổi việc vì ngân sách eo hẹp.

Nhiều chuyên gia cũng nói rằng nhân viên của các địa phương và các bang khác cũng sẽ bị thất nghiệp nếu không có Recovery Act. Nhưng ông Whitehurst cho rằng bất chấp những kết quả tích cực đó, Recoverty Act chưa làm được nhiều. Theo các chuyên gia, trên thực tế, tác dụng của gói kích thích này bị hạn chế do thiếu sự linh hoạt và khoảng thời gian kéo dài khi tiến hành giải ngân.

Bà Amy Liu, phó giám đốc Chương trình Chính sách Đô thị Brookings, đang theo dõi sự phục hồi của 100 khu vực kinh tế thuộc các thành phố Mỹ, nói rằng cần phải có sự linh hoạt hơn trong việc sử dụng số tiền này, cho phép các quan chức thay đổi việc chi tiêu theo nhu cầu của từng địa phương và từng bang. Đó là vì sự hồi phục không đồng đều, một số thành phố hồi phục nhanh, trong khi một số khác vẫn trong tình trạng hỗn loạn về kinh tế.

Chẳng hạn, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ khoảng 9% trong quý đầu năm nay nhưng lại dao động từ 5%-17% tùy từng thành phố. Và trong khi giá nhà của Mỹ chỉ giảm khoảng 6%, thì khu vực bang Nevada và California chứng kiến mức giảm 30%, còn giá nhà ở Houston lại tăng. Bà Liu nói: "Gói kích thích này là gói hỗn hợp và đó là lý do chúng ta có được kết quả hỗn hợp".

Xét trên khía cạnh tiêu cực, việc chi tiêu tiêu dùng và thu nhập từ thuế bất động sản giảm ở 100 thành phố hàng đầu của Mỹ có thể gây tác động xấu trong những năm tới. Bà Liu nói: "Chúng ta sẽ vẫn nghe đến 'dư âm' của cuộc suy thoái này vào năm 2011". Nhiều thành phố vẫn còn phụ thuộc vào thuế bất động sản và kinh doanh để trả lương cho nhân viên, chi cho các dự án công viên, đường sá và các dự án khác.

Về mặt tích cực, khoảng 2/3 gói kích thích, chủ yếu là cắt giảm thuế và trợ cấp thất nghiệp, phát huy tác dụng, trong khi 1/3 số còn lại sẽ tiếp tục được triển khai. Theo bà Liu, những sáng kiến từ các dự án xanh tới cơ sở hạ tầng giao thông sẽ tạo ra vô số những cơ hội kinh tế mới.

Tuy nhiên, một số chuyên gia tin rằng tác dụng của gói kích thích không đủ nhanh và đang kêu gọi gói kích thích thứ hai. Còn những người phản đối lại cho rằng việc tung ra thêm gói kích thích sẽ khó thúc đẩy sự hồi phục. Học giả Alan Viard của Viện Doanh nghiệp Mỹ nói rằng việc bơm thêm vốn là không cần thiết vì vấn đề thời gian rất phức tạp và không thể mang lại lợi ích cho tới khi kinh tế hồi phục./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục