Kết thúc hội nghị Bộ trưởng 12 nước tham gia TPP

Hội nghị đã ra tuyên bố chung cam kết hoàn tất thỏa thuận thương mại trong năm nay, và thừa nhận còn tồn tại vướng mắc trên nhiều lĩnh vực.
Ngày 23/8, Hội nghị Bộ trưởng 12 nước tham gia vòng đàm phán thứ 19 nhằm xây dựng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khép lại tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei với tuyên bố chung; trong đó tái nhấn mạnh cam kết hoàn tất thỏa thuận thương mại tự do khu vực trong năm nay, song cũng thừa nhận vẫn còn tồn tại vướng mắc trên nhiều lĩnh vực.

Tuyên bố nêu rõ: "Các nước đàm phán TPP đã tìm ra cách thức xúc tiến một gói thỏa thuận giữa các bên."

Theo tuyên bố, các lĩnh vực trọng điểm bao gồm cách tiếp cận thị trường, dịch vụ tài chính, sự thu mua của chính phủ và sở hữu trí tuệ.

Các bộ trưởng đã nhất trí tiếp tục "can dự tích cực" trong thời gian từ nay tới hội nghị các nhà lãnh đạo tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), dự kiến diễn ra tại Bali của Indonesia vào tháng 10 tới; đồng thời cho biết các nhà lãnh đạo TPP dự kiến có cuộc gặp bên lề hội nghị trên.

Trong khi các cuộc đàm phán về TPP nhằm đạt được một thỏa thuận tự do thương mại toàn diện thường đề cập tới 21 lĩnh vực, tuy nhiên, vòng đàm phán mới nhất này chỉ tập trung vào 10 lĩnh vực trong đó có đề cập tới cách thức xử lý vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp quốc doanh và thuế quan.

Bên cạnh cuộc họp chính thức của toàn khối, các bộ trưởng và quan chức cấp bộ trưởng của Mỹ và các nước thành viên TPP khác cũng tổ chức các phiên họp song phương. Dự kiến, các nước thành viên sẽ đưa ra những yêu cầu và đề nghị của mình liên quan đến vấn đề thuế quan trong các phiên họp này.

Theo kế hoạch, 12 nước thành viên TPP - gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam sẽ đạt sự thống nhất rộng rãi về TPP vào tháng 10 tới và ký hiệp định vào cuối năm nay.

Nếu được thành lập, TPP sẽ trở thành một trong những khu vực thương mại lớn nhất thế giới với hơn 792 triệu người, đóng góp gần 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới và khoảng 1/3 kim ngạch thương mại toàn cầu.

Sau khi được thành lập, TPP sẽ được mở rộng theo từng giai đoạn để thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, hướng tới việc thành lập Khu vực Thương mại Tự do (FTA) châu Á-Thái Bình Dương./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục