Thi tốt nghiệp: Không áp đặt đáp án đề thi môn Văn (pv)

Kết thúc thi tốt nghiệp: Không có chuyện lộ đề Văn

Việc cho mang máy ghi âm vào phòng thi, ý kiến trái chiều về môn Văn, tiêu cực trong phòng thi... là những vấn đề được báo giới quan tâm tại cuộc họp báo kết thúc kỳ thi chiều 4//6.

Tác dụng của việc cho phép thí sinh mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi đến đâu, đáp án đề thi môn văn thế nào khi có nhiều ý kiến trái chiều về câu nghị luận, các tiêu cực trong phòng thi... đó là những vấn đề được phóng viên đặt câu hỏi nhiều nhất tại cuộc họp báo chiều nay, ngày 4//6, về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Buổi họp báo do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Đề mở có đáp án mở

Đề thi môn văn năm nay được dư luận đánh giá khá cao về tính thời sự và thực tế cũng như giá trị nhân văn khi đưa việc em Nguyễn Văn Nam đã hy sinh mạng sống của mình để cứu 5 em nhỏ khỏi dòng nước nguy hiểm vào câu hỏi: “Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam.

Câu hỏi này được thí sinh đón nhận hào hứng với niềm cảm phục anh hùng nhỏ tuổi Nguyễn Văn Nam, nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng Nam nên lượng sức mình thay vì để đuối sức và bị dòng nước cuốn trôi.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về đáp án kỳ thi khi có nhiều luồng ý kiến trái chiều trên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển khẳng định đây là câu hỏi mở nên đáp án cũng mở, không khuôn cứng.

"Khi đề mở sẽ có nhiều ý kiến khác nhau, đó là chuyện bình thường. Đề mở có đáp án mở, tức là không chi tiết từng ý, từng từ. Quan trọng là thí sinh khi đưa ra ý kiến của mình phải có lập luận chặt chẽ, hợp lý cho ý kiến đó là đạt điểm. Chúng ta không áp đặt cho lớp trẻ," Thứ trưởng Hiển nói.

Cũng theo Thứ trưởng Hiển, các câu hỏi mở trong những năm qua đã giúp học sinh làm quen với tư duy lập luận. Hướng ra đề này sẽ tiếp tục trong những năm tiếp theo, đề sẽ hay hơn, sát thực tế hơn.

Ông Hiển cũng khẳng định không có chuyện lộ đề văn. Việc đề thi văn trùng ý này ý khác với các đề ôn tập ở các trường là bình thường vì đều chỉ xoay quanh các kiến thức môn văn bậc trung học phổ thông, nhất là tập trung ở chương trình lớp 12.

Đề thi Địa: Nóng vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Kỷ luật thi đã chặt hơn

Một vấn đề khác cũng được báo chí quan tâm là điểm mới nhất trong quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay: cho phép thí sinh được mang máy ghi âm, ghi hình không có chức năng phát sóng truyền tin, không có loa ngoài và không có màn hình vào phòng thi mà không cần xuất trình với cán bộ coi thi.

Trả lời về hiệu quả của quy định này, Thứ trưởng Hiển cho rằng quy định mới nhằm ngăn chặn là chính rồi mới đến phát hiện các hành vi gian lận thi cử.

Việc này đã làm thêm một kênh thông tin giám sát trong phòng thi, làm tinh thần trách nhiệm coi thi của giám thị cao hơn. Năm nay, ý thức chấp hành quy chế thi của thí sinh và cán bộ tham gia tổ chức thi và kỷ luật phòng thi có tiến bộ. Hầu hết các trường hợp vi phạm quy chế năm nay đều do cán bộ coi thi phát hiện xử lý chứ không phải do thanh tra thi như năm trước.

Cụ thể, số thí sinh vi phạm quy chế thi bị xử lý kỷ luật đình chỉ thi là 49, do mang tài liệu, điện thoại di động vào phòng thi; số cán bộ bị đình chỉ làm công tác phục vụ thi là 2 người, do mang điện thoại di động vào khu vực thi. 

Ban Chỉ đạo thi của Bộ đã tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất, không báo trước tại một số tỉnh, thành phố như Ninh Bình, Hải Dương, Hà Nam, Thái Bình…, kịp thời phát hiện và yêu cầu khắc phục những thiếu sót, hạn chế trong công tác chỉ đạo thi và coi thi. Qua kiểm tra cho thấy, tại một số hội đồng vẫn còn có hiện tượng một số cán bộ coi thi chưa kiên quyết và kịp thời nhắc nhở thí sinh thực hiện các quy định, còn để một số thí sinh trao đổi bài trong phòng thi hoặc vứt bỏ tài liệu sau buổi thi ở sân trường, cổng trường ảnh hưởng xấu đến vệ sinh, mỹ quan môi trường giáo dục.

"Sau kỳ thi, Bộ sẽ tổ chức chấm lại các điểm thi có dấu hiệu kết quả bất thường. Năm ngoái, việc chấm lại được tiến hành ở 16 điểm, năm nay sẽ mở rộng hơn," Thứ trưởng Hiển nói.

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã diễn ra trật tự, an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế./.

Năm nay, toàn quốc có 64 đơn vị tổ chức thi (gồm 63 sở Giáo dục và Đào tạo và Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng), gồm 2.296 Hội đồng coi thi; huy động 142.361 cán bộ, giáo viên tham gia coi thi. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 946.064 (trong đó, có 854.355 thí sinh giáo dục THPT và 91.709 thí sinh giáo dục thường xuyên). Số thí sinh đến dự thi ngày thi cuối của kỳ thi là 942.549 đạt 99,63%.
Nhóm PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục