Kêu gọi các tỉnh ĐBSCL phải đẩy mạnh liên kết vùng

Chiều 17/7, taij Cần Thơ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy mạnh liên kết vùng ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại hội nghị “Xây dựng quy chế liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long,” tổ chức tại Cần Thơ chiều 17/7, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy mạnh liên kết vùng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Thủ tướng nói Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế về sản xuất lúa gạo, nông thủy sản rất lớn nhưng hiện vẫn còn tình trạng được mùa, mất giá. Việc sản xuất lớn, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất vẫn còn hạn chế, nên chưa phát huy được những lợi thế phát triển kinh tế của vùng. Bên cạnh đó, vấn đề quy hoạch, liên kết vùng hiện vẫn còn hạn chế, tính liên kết hiện nay vẫn chưa tốt, làm cho lợi thế mất đi.

Vì vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh liên kết vùng sẽ giúp vùng Đồng bằng sông Cửu Long khai thác tiềm năng, thế mạnh của toàn vùng, nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực có sẵn, từ đó toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ trở thành một thể thống nhất hướng đến liên kết phát triển với Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nguyên và các vùng khác trong cả nước…

Phó Thủ tướng cho rằng liên kết giữa các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long còn có một ý nghĩa quan trọng nhằm xây dựng khu vực này thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hiện đại, công nghiệp, dịch vụ, từ đó kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát triển nhanh, với tốc độ tăng trưởng cao, ổn định, và đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của cả nước. Đặc biệt, liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở lấy thế mạnh bù thế yếu và hướng đến tối đa hóa lợi ích của vùng, từ đó sẽ giúp vùng Đồng bằng sông Cửu Long hạn chế cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương trong vùng.

Quy chế liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2013-2020 xác định mục tiêu liên kết giữa các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm xây dựng Đồng bằng sông Cửu Long thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hiện đại, công nghiệp và dịch vụ phát triển nhanh, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định.

Theo quy chế, phạm vi liên kết gồm liên kết nội vùng và liên kết ngoại vùng, trong đó liên kết nội vùng gồm 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long liên kết với nhau, tạo ra một vùng kinh tế năng động của quốc gia. Liên kết ngoài vùng, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long trở thành một thể thống nhất hướng đến liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam bộ, vùng Tây Nguyên và các vùng khác trong cả nước...

Liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tập trung vào các lĩnh vực như quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ bản; liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa, gạo, trái cây, tôm, cá; liên kết đào tạo nguồn nhân lực và phát triển hạ tầng y tế, giáo dục phục vụ chung cho toàn vùng; liên kết bảo vệ môi trường, gìn giữ tài nguyên, hợp tác ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu...

Liên kết vùng cũng giúp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tạo thị trường thống nhất từ khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu cho các mặt hàng lúa gạo, thủy hải sản và trái cây; xây dựng hệ thống lưu thông phân phối hàng hóa thông suốt kết nối từ nguồn sản xuất đến thị trường tiêu thụ cuối cùng…/.

Thanh Sang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục