Kêu gọi chấm dứt mọi hình thức phân biệt đối xử

Liên hợp quốc sẽ đấu tranh không khoan nhượng chống nạn phân biệt đối xử đang được thể hiện dưới nhiều hình thức tại các quốc gia.
Trong thông điệp nhân Ngày Nhân quyền quốc tế 10/12, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon khẳng định chưa có quốc gia nào hoàn toàn loại trừ được nạn phân biệt đối xử.

Vì vậy, Liên hợp quốc đã chọn chủ đề "Ủng hộ đa dạng, chấm dứt phân biệt đối xử" cho Ngày Nhân quyền quốc tế năm nay.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho biết nạn phân biệt đối xử đang được thể hiện dưới nhiều hình thức, trong đó có phân biệt chủng tộc, phân biệt sắc tộc, không bao dung và bác bỏ sự tồn tại lịch sử của các dân tộc khác.

Những cá nhân và nhóm dân cư dễ bị phân biệt đối xử nhất là người tàn tật, phụ nữ, trẻ em gái, người nghèo, dân nhập cư, người thiểu số và tất cả những người bị coi là khác giống nòi. Do đó, Liên hợp quốc sẽ đấu tranh không khoan nhượng chống nạn phân biệt đối xử.

Nhân ngày này, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Ali Treki kêu gọi cộng đồng quốc tế tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người, không phân biệt sắc tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo.

Hiện hàng triệu người trên thế giới vẫn đang phải hàng ngày đấu tranh chống lại tệ phân biệt đối xử, nhằm giành quyền tiếp cận công bằng với giáo dục, y tế và việc làm. Việc thực hiện các quyền con người, kể cả các quyền xã hội, kinh tế, văn hóa, dân sự và chính trị, đang bị ngăn cản do phân biệt đối xử.

Trong khi đó, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Navi Pillay khẳng định nạn phân biệt đối xử vẫn đang lan tràn trên khắp hành tinh, cho dù 61 năm đã trôi qua kể từ khi Tuyên ngôn Nhân quyền được thông qua.

Mặc dù thực hiện 2/3 số giờ lao động của toàn thế giới và tạo ra một nửa lượng lương thực cho toàn cầu, song phụ nữ chỉ nhận được 10% thu nhập của toàn thế giới và sở hữu ít hơn 1% tài sản của hành tinh.

Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) Irina Bokova, biện pháp hữu hiệu để làm dịu căng thẳng và xây dựng xã hội hòa bình hơn và có văn hóa đa dạng hơn là thông qua sự tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, đối thoại xây dựng và thừa nhận quyền khác biệt.

Trong tuyên bố chung gửi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, các chuyên gia quốc tế cũng cảnh báo cuộc chiến chống phân biệt đối xử đang bị tụt lùi và nhiều tiến bộ đạt được trong nỗ lực này đang bị đảo ngược.

Các chuyên gia ký tên vào bản tuyên bố này nhấn mạnh để có thể loại bỏ phân biệt đối xử, cộng đồng quốc tế cần cam kết mạnh mẽ và hành động quyết liệt hơn trên phạm vi toàn cầu, cũng như cần thừa nhận, tôn trọng và đánh giá cao sự khác biệt về văn hóa, sắc tộc và tôn giáo.

Cũng trong ngày 10/12, Diễn đàn "Chủng tộc, Đói nghèo và Quyền lực" đã được tổ chức tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), trong đó các diễn giả tập trung thảo luận về tình trạng vi phạm nhân quyền dựa trên phân biệt giới.

Trong khi đó, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ) đại diện phụ nữ ở 28 quốc gia đã tham gia diễn đàn "Dũng cảm lãnh đạo: Hội nghị thượng đỉnh về nhân quyền dành cho các nhà lãnh đạo nữ"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục